Vườn lá cảnh trên sình Đinh Tị
Cập nhật lúc 06:34, Thứ Hai, 21/09/2020 (GMT+7)
Từ một vùng sình cao lút đầu người, chỉ có thể trồng lúa, một vườn lá cảnh có giá trị kinh tế đã mọc lên. Ông Nguyễn Hữu Tốt, người nông dân thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, bằng đôi bàn tay chăm chỉ đã vun đắp kinh tế gia đình từ vùng sình lầy nước đọng.
![]() |
Ông Tốt trong vườn bạch đàn guini chuẩn bị xuất bán |
Đưa khách tham quan vườn chuyên trồng các loại lá cảnh, ông Nguyễn Hữu Tốt giới thiệu, năm 1979, theo lời kêu gọi của Đảng, ông và gia đình vào đất Đông Thanh xây dựng vùng kinh tế mới. Được nhận diện tích đất trồng lúa ở thôn Tiền Lâm, ông và gia đình đã gieo xuống những mầm mạ trên đất sình. Ông Tốt kể, khu vực này vốn là vùng sình lớn, đất trũng thấp lút đầu người, bà con quen gọi là sình Đinh Tị. Đất sình, vào mùa mưa nước ngập quá bụng, không làm gì khác được ngoài trồng lúa. Có những đợt gặt mà gặp mưa, ông và vợ con phải đi xuồng để cắt những thân lúa ngập trong nước. Đói thì không đói nhưng làm lúa thu nhập thấp, chỉ đủ ăn, không có tiền để chi tiêu cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa. Đất sình với những cây lúa đã giúp gia đình thoát đói nhưng không giúp gia đình thoát nghèo.
Vậy là ông Tốt quyết định lấp sình để trồng hoa màu. Gần 3 sào đất sình, ông vay mượn gần 800 triệu đồng, đổ hàng trăm khối đất để lấp, kéo con sình lên gần cao ngang với mặt đường. Chỉ ra phía đối diện con đường bê tông, ông bảo bên kia đường vẫn là con sình nguyên bản, với độ sâu ấy mà bà con đã lấp một phần lớn sình Đinh Tị để trồng hoa màu, trồng dâu thay cho đất lúa. Đó là vào năm 2015, lần đầu tiên sau hàng chục năm trồng lúa, ông Tốt và gia đình cắm những cây dâu trên mảnh đất được san lấp gọn gàng. Ông kể, trồng dâu nuôi tằm thu nhập cũng được nhưng ông và gia đình nhận thấy, nhu cầu sử dụng cây cảnh trang trí ngày một tăng. Vậy là vườn dâu được cải tạo để trở thành vườn chuyên trồng và cung cấp lá cảnh.
Với hàng chục loại lá cảnh, loại trồng ngoài trời như bạch đàn guini, cây lá đỏ, môn cảnh tím cho tới các loại được trồng trong nhà kính như lưỡi hổ, dương xỉ, trầu bà đại vương…; gia đình ông Tốt hiện là nhà vườn cung cấp lá cảnh lớn trong vùng. Ông cho biết, trồng lá cảnh không khó. Ông chủ yếu trồng các loại lá cảnh trong các chậu nhựa, chậu composite tùy kích cỡ yêu cầu. Tưới hoàn toàn bằng hệ thống tưới tự động, cả trong nhà và ngoài trời. Khi có đơn mua, vườn xuất bán nhanh chóng và vận chuyển tận nơi. Với hệ thống đường giao thông nông thôn được đổ bê tông từ tận xã vào tới từng ngõ, xe vận tải cỡ nhỏ, cỡ vừa đi lại trong thôn rất tiện lợi. Hiện gia đình ông Nguyễn Hữu Tốt đang là hộ cung cấp giống bạch đàn guini với số lượng lớn. Ông nhập hạt, ươm cây con, ra chậu và cung cấp cho nông dân trồng bạch đàn guini để trồng ra đất. Hiện gia đình ông cũng trồng một số diện tích bạch đàn guini, vừa cung cấp lá tươi, vừa để phục vụ lá khô vào dịp Tết Nguyên đán. Ông cho biết, sản phẩm cành bạch đàn guini nhúng sơn nhũ màu vàng, màu bạc, sấy khô với tên gọi “cành vàng lá bạc”, được cắm với phụ kiện hoặc cắm chung với các loại hoa, lá cảnh khác rất được ưa chuộng. Trồng cây cảnh đầu tư không nhiều mà thu nhập tốt. Ông tự đánh giá: “Trồng lúa thì nguyên 3 sào đất nhà tôi chắc mỗi năm thu được vài tấn thóc, vừa đủ ăn với nuôi thêm con gà, con vịt. Còn giờ trồng cây cảnh thì thu mỗi sào 110 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn 70 triệu đồng/sào/năm, gấp không biết bao nhiêu lần so với trồng lúa. Mà chăm lá cảnh lại nhàn, có tiền thu quanh năm, không phải vào vụ, vào mùa như trồng lúa”.
Ông Đào Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà nhận xét, hộ ông Nguyễn Hữu Tốt là hộ nông dân rất mạnh dạn thay đổi. Từ mảnh đất sình trồng lúa năng suất thấp, ông Tốt và các nông hộ khác đã đầu tư nhiều tỉ đồng để lấp sình Đinh Tị, trồng dâu tằm, hoa màu cho thu nhập cao hơn. Với hướng đi trồng lá cảnh của ông Tốt cũng là hướng đi mới, cung cấp một phân khúc riêng trong nghề trồng hoa cảnh, là một gương nông dân sáng tạo, vươn lên, vượt qua khó khăn xây dựng kinh tế.
http://www.baolamdong.vn/ DIỆP QUỲNH