3/4/2021 8:27:00 AM
.

Tư duy mới đón đầu thu hút đầu tư hậu COVID-19


(Lâm Đồng Online) Việc dịch COVID-19 bùng phát trở lại cộng đồng nhưng bước đầu đã nhanh chóng được khoanh vùng, Việt Nam đang chứng tỏ được khả năng phòng, chống dịch, giữ ổn định tình hình. Nằm trong nhóm quốc gia có cơ hội hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào làn sóng FDI thứ tư.
Doanh nghiệp Lâm Đồng giới thiệu sản phẩm tại một hội nghị xúc tiến thương mại

Không nằm ngoài xu thế chung đó, Lâm Đồng cũng có những định hướng mới, bắt đầu từ tư duy sản xuất kinh doanh để bắt kịp vận hội. Vượt qua những con số “khiêm tốn” thu hút đầu tư năm 2020 do COVID-19, với nhiều chương trình xúc tiến và môi trường thông thoáng..., Lâm Đồng đang sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI, thu hút đầu tư.

Thu hút dòng FDI chất lượng

Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, với nguồn vốn đăng ký trên 130 ngàn tỷ đồng, quy mô diện tích trên 69.700 ha; trong đó, có 870 dự án đầu tư trong nước; 107 dự án vốn nước ngoài. Qua đánh giá sơ bộ có trên 620 dự án đã hoàn thành toàn bộ hoặc một phần đi vào hoạt động, trên 200 dự án đang trong giai đoạn xây dựng, gần 160 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư và thương mại Lâm Đồng cho biết: Nhận thức rõ vai trò của thu hút đầu tư, hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng, với “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đối với việc thu hút đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư qua các hình thức mạng xã hội, zalo, điện thoại để duy trì công tác xúc tiến đầu tư. Chính vì vậy, kết quả thu hút vốn đầu tư năm 2020 mặc dù không cao so với năm 2019 nhưng tương đối khả quan. Trong đó vốn FDI ước đạt 135,6 triệu USD với 31 dự án cấp mới (tăng 5 dự án) và 50 dự án điều chỉnh; vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng, tăng 28,3%, quy mô diện tích 177,6 ha.

Có một lợi thế là Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, nhất là Hiệp định RCEP có hiệu lực trong vòng 10 tháng tới, sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, đồng thời là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Nắm bắt được cơ hội và cũng là thách thức, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương, bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư trong nước và FDI. Muốn làm được điều đó, phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Đặng Trí Dũng nhấn mạnh: Cùng với các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư triển khai thực hiện dự án tại địa phương, thì tỉnh cũng sẽ kiên quyết chấm dứt, thu hồi các dự án hoạt động không đúng mục đích và tiến độ đăng ký. Để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại địa phương triển khai dự án, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan chú trọng rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để triển khai thực hiện, sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cộng với hàng loạt cải cách trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư như: rút giảm thời gian thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng...; Lâm Đồng tập trung tháo gỡ khó khăn, từ việc thành lập doanh nghiệp đến các điều kiện kinh doanh, thông quan, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút vốn FDI và đầu tư xã hội.

Có thể nhận thấy rõ bước đi chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá mà Lâm Đồng đang hướng đến. Các dự án có công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là những ưu tiên trong thu hút FDI hiện nay, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Sệt Nản xuất lông cừu ở Nhà máy kéo sợi len lông cừu đầu tiên của Viam tại Lâm Đồng


Doanh nghiệp tăng sức “đề kháng”

Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, song các doanh nghiệp Lâm Đồng đã từng bước nỗ lực vượt khó, đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng các sản phẩm, nâng cao vị thế của doanh nghiệp. Năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập mới trên 1.300 doanh nghiệp, nâng tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt trên 10.200 doanh nghiệp, tăng trên 13% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký trên 111 ngàn tỷ đồng.

Một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của doanh nghiệp Lâm Đồng năm qua phải kể đến, đó là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính thông thoáng, tình hình an ninh trật tự, kiểm soát dịch bệnh được bảo đảm. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã có những cơ chế, chính sách trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời cam kết hỗ trợ thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Chính những động thái đó đã giúp cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, khai thác hiệu quả giá trị các sản phẩm, lĩnh vực có thế mạnh cạnh tranh của địa phương.

Trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với Công ty Cổ phần Viên Sơn, một trong trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng khoai lang, sản phẩm nông sản xuất khẩu thì đây lại là cơ hội. Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn cho rằng: Đây là cơ hội lớn cho chính doanh nghiệp củng cố và khẳng định mình, với sự năng động tìm kiếm thị trường, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều hợp đồng dài hạn, đưa khoai lang Nhật trồng trên đất Lâm Đồng xuất khẩu qua Nhật và các nước trong khu vực châu Á. Sản xuất, chế biến nông sản, sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng thực phẩm là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất do tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng tăng cao, trong khi đó diễn biến dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, đây là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh của Lâm Đồng từng bước tiệm cận thị trường, nhất là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường châu Âu.

Hay tại Nhà máy kéo sợi len lông cừu đầu tiên của Việt Nam đóng chân trên địa bàn Lâm Đồng là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Sudwolle (CHLB Đức) và Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương (TP Hồ Chí Minh) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng), công suất thiết kế dự kiến của nhà máy đạt khoảng 4.000 tấn sợi/năm. Từ khi chính thức hoạt động tháng 10/2019 đã xuất những lô hàng đầu tiên ra nước ngoài và tiêu thụ ở thị trường nội địa; những sợi lông cừu tự nhiên đã đem lại những vận hội mới cho nền kinh tế địa phương, sợi lông cừu “made in Dalat” đánh dấu một sản phẩm mới của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp sản xuất sợi thế giới và đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong năm 2020. Ông Alessandro Di Palma - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt cho rằng: Năm 2020 thực sự là một năm khó khăn với tất cả các doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021, chúng tôi giảm tần suất sản xuất từ 7 ngày xuống 6 ngày 1 tuần; chia sẻ khó khăn cùng với nhân viên, cố gắng giảm thiểu các tình huống xấu, đảm bảo đời sống cho công nhân; vượt qua khó khăn, duy trì trạng thái sản xuất kinh doanh bình thường.

Rõ ràng, việc tăng “sức đề kháng” bằng phát huy sức mạnh nội lực, thay đổi tư duy của doanh nghiệp trong tình hình kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh là một nền tảng quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng đang tự thực hiện để vượt qua những thách thức, đón đầu những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi hậu COVID-19.

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,192,508.00