(LĐ online) - Sáng 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh chinhphu.vn
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban quản lý: Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: Hội nghị giao ban nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, với mục tiêu, đến cuối năm 2020, quyết tâm giải ngân hết hơn 630.000 tỷ đồng và hàng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này. Thủ tướng yêu cầu, các địa phương thẳng thắn đưa ra tình hình hiện nay để có vướng mắc thì tìm cách tháo gỡ, có cách gì hay thì để các địa phương khác cùng rút kinh nghiệm. Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm: Không tiêu hết tiền giải ngân thì trả lại cho Chính phủ để cấp vốn cho các địa phương khác; đồng thời, cương quyết có chế tài, xử lý đến nơi đến chốn các bộ, ngành, địa phương cố tình chậm trễ.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, cho biết: Đến nay, đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí; phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.
Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng (vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng). Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 13.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 471 tỷ đồng).
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch. Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Nhưng, có 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%; trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 8 tháng năm 2020 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm rất đa dạng, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, các hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể như: Giải ngân chậm do công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu…
Tại Lâm Đồng, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 12/8/2020): Kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020: 1.047,451 triệu đồng, số vốn giải ngân: 326,946 tỷ đồng, đạt 31,2% kế hoạch vốn. Về giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2020: Tổng vốn đầu tư công năm 2020: 4.016,717 tỷ đồng, số vốn giải ngân: 1.362,629 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch vốn (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019).
Nguyên nhân vốn đầu tư công giải ngân thấp, ngoài các nguyên nhân về thủ tục đấu thầu, các dự án mới khởi công chưa kịp thực hiện các thủ tục giải ngân, tại Lâm Đồng: Bộ đơn giá xây dựng của tỉnh theo quy định Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 mới được ban hành nên nhiều dự án khởi công mới, gói thầu xây lắp chưa được phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán nên chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và chưa giải ngân số vốn được giao. Các dự án từ nguồn vốn vay ODA của tổ chức JICA do chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và ký hiệp định tài trợ nên chưa giải ngân; cơ chế cấp phát vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa linh hoạt, thủ tục tạm ứng vốn từ trung ương chưa được rút ngắn; nguồn vốn ODA sự nghiệp mới được phân bổ trong tháng 5 ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân; dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến tiến độ, khối lượng thi công các công trình...; tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân từ phía chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công...