(LĐ online) - Đó là vấn đề dặt ra tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Kinh tế tư nhân vùng Tây Nguyên hiện nay: Rào cản và giải pháp” diễn ra ngày 4/12 tại Đà Lạt do Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo có hơn 120 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các viện, trường đại học, các cơ quan, ban, ngành Trung ương và 5 tỉnh Tây Ngyên, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, TS.Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TS.Nguyễn Duy Thụy – Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên đã chủ trì hội thảo.
Đề dẫn hội thảo đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, đa dạng hóa doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, phát triển cộng đồng và phát triển đất nước.
Hiện nay, kinh tế tư nhân Tây Nguyên có nhiều rào cản đối với sự phát triển như chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh. Cụ thể, năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp, hiệu quả tài chính của doanh nghiệp tư nhân còn yếu, mức độ liên kết lỏng lẻo, phản ứng chậm với sự suy giảm của nguồn tài nguyên, mức độ phi chính thức cao; bất bình đẳng về môi trường kinh doanh, tiếp cận tài chính khó khăn, rào cản về nguồn vốn, dịch vụ phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt, thể chế chính sách còn có nhiều rào cản như: Việc hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân chia thành nhiều cơ quan khác nhau nên hành động riêng rẽ, thiếu sự phối hợp; tình trạng phân tán các chính sách, chương trình hỗ trợ do thường được chia nhỏ cho nhiều bộ, ngành thực hiện; thiếu các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động tốt và toàn diện; thiếu sự hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ quốc tế cũng đang giảm dần…
![]() |
TS. Nguyễn Duy Thụy – Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phát biểu đề dẫn hội thảo |
Hội thảo đã đi sâu thảo luận, làm rõ các vấn đề: Bản chất “sở hữu tư nhân” trong bối cảnh lịch sử cụ thể Tây Nguyên vốn đan xen nhiều loại hình sở hữu, đặc biệt là sở hữu cộng đồng truyền thống của các tộc người Tây Nguyên còn chi phối quá trình phát triển kinh tế tư nhân; các rào cản liên quan đến nhận thức, phong tục tập quán, trình độ học vấn, tộc người để đưa ra những giải phát riêng cho vùng.
Tây Nguyên cũng là nơi thể hiện rõ nhất mối tương tác, đan xen, song hành giữa các thể chế chính thức của Nhà nước với các thể chế phi chính thức của các cộng đồng dân cư truyền thống và cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời chi phối đến đời sống hàng ngày, cần làm rõ để các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp đúng, trúng để phát triển kinh tế tư nhân Tây Nguyên.
Trong 17 năm (2000 – 2017), số lượng doanh nghiệp ở Tây Nguyên tăng từ 42.300 lên 561.700 doanh nghiệp, gấp 13 lần; trong đó, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 97%, phần lớn là kinh tế tập thể, cá thể, doanh nghiệp tư nhân 19,8%.
Tổng vốn sản xuất kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân cả vùng đạt 21.736 tỷ đồng (2017), đóng góp GDP của vùng 12,9%. TS.Trần Thị Thanh Hương – Học viện Ngân hàng nêu ý kiến: Kinh tế tư nhân Tây Nguyên chưa đáp ứng được vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế; môi trường pháp lý đối với thành phần kinh tế này chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo, chưa tạo điều kiện thuân lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Năng lực sản xuất công nghiệp của kinh tế tư nhân còn yếu; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít doanh nghiệp. Trở ngại lớn nhất của kinh tế tư nhân là thiếu thị trường, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh; cần hoàn thiện thể chế thị trường đầy đủ, bởi thị trường là cơ hội tiếp cận kinh doanh, cơ hội tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chính sách, quy hoạch, là sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tập đoàn kinh tế lớn để tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị.
Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.
Đi vào những vấn đề cụ thể của các tỉnh, TS. Phạm S đã trình bày tham luận “Kinh tế tư nhân Lâm Đồng phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”. Hiện nay, Lâm Đồng có 21 doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, big data, Blockchain, camera theo dõi sự sinh trưởng của cây, các loại thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh, hệ thống cảm biến kết nối với máy vi tính, điện thoại di động quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng; công nghệ nhân giống invitro, công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc.
Từ đó, đã tận dụng tối đa lợi thế, phát triển nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây, cà chua, bò sữa. Nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm. Tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp thông minh 4.0 như hỗ trợ 50% phí tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ, áp dụng khoa học công nghệ mới cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư trong 36 tháng kể từ khi hoàn thành thủ tục vay các tổ chức tín dụng; hỗ trợ vay vốn từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ khuyến công. Nhờ những chính sách sát thực tế, Lâm Đồng ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp hiệu quả, có nhiều trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp thông minh phát huy được lợi thế tiềm năng của địa phương.
![]() |
TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tham luận về phát triển nông nghiệp 4.0 |
TS. Phạm S đã đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 như: Cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực, chủ động tiếp cận, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; lựa chọn, vận dụng các giải pháp công nghệ phù hợp trong việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi; làm tốt công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức tiếp thu trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới; các viện nghiên cứu tập trung tạo ra cả phần mềm và phần cứng làm ra những sản phẩm mới, đột phá đáp ứng yêu cầu nông nghiệp thông minh; tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất nông sản hàng hóa; ban hành các chính sách sát thực tiễn sản xuất, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thài và quy mô sản xuất để làm ra nhiều nông sản có chất lượng cao, đảm bảo an toàn tạo luồng sinh khí mới cho vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh 4 tham luận tại hội thảo, có nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu làm rõ các vấn đề về tài nguyên đất đai, tiềm năng, cơ hội, thách thức đối với phát triển kinh tế tư nhân tại Tây Nguyên; tác động của đường lối, chính sách đến với phát triển kinh tế tư nhân vùng; kinh tế tư nhân vùng và năng lực tiếp cận các hiệp định thương mại tự do để chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vai trò liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản; vấn đề di cư tự do và việc phát triển kinh tế tiểu chủ, kinh tế hộ gia đình; phát triển công nghiệp chế biến – giải pháp cho phát triển bền vững nông sản vùng Tây Nguyên; bài học phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Tây Nguyên từ kinh nghiệm quốc tế; rào cản địa lý, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực…
![]() |
Các đại biểu nêu nhiều ý kiến tâm huyết |
Tất cả những vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo thể hiện tinh thần trách nhiệm cao là cơ sở để các nhà hoạch định, quản lý hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế trở thành động lực quan trọng để phát triển Tây Nguyên, phát triển nền kinh tế đất nước theo tinh thần Đại hội XII của Đảng.