3/5/2020 8:16:00 AM
.

Nông trại ngập tràn hương vị


(Lâm Đồng Online) Tùng Hạ - nông trại ở ngoại ô Đà Lạt mùa này, ngoài hương hoa, hương cỏ cây gia vị trong không khí còn có hương tinh dầu nồng nàn bởi những bàn tay trẻ từng ngày cần mẫn gieo mầm cho đất tỏa hương.

Nguyễn Tường Miên (bìa phải) cùng bạn bè ở Tùng Hạ


Tường Miên và Tùng Hạ

38 tuổi, nhưng Nguyễn Tường Miên đã có gần 17 năm yêu và gắn bó với làm nông nghiệp “thuận tự nhiên” ở Đà Lạt. Tường Miên bắt đầu tình yêu ấy khi lần đầu theo chân bác ruột - một tiến sĩ chuyên ngành Toán học từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Nghe bác kể về những khu vườn thảo dược và gia vị thơm lừng ở Pháp, Thụy Sĩ và biết thêm về ấp ủ của bác về khu vườn sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường nhưng đã thất bại. Thương Bác, thích Đà Lạt và yêu những gì liên quan tới môi trường, thiên nhiên nơi này nên Miên quyết định “rẽ trái” với nông trại Tùng Hạ.

Tường Miên gọi lựa chọn của cô là “rẽ trái” vì nó không theo con đường mòn quen thuộc. Bởi nếu không là Tùng Hạ, có lẽ giờ này cô thạc sĩ ngành công nghệ sinh học Nguyễn Tường Miên đang làm việc tại các trung tâm nghiên cứu. Sự đam mê thiên nhiên, thích lối sống hỗ trợ cho sức khỏe và sự lạc quan trong tinh thần. Bởi thế cô chọn con đường riêng. Tất cả tài sản tích lũy của Miên để dành để mua phân hữu cơ, cải tạo đất bởi với cô “đây thật sự là công việc mình thích”.

Tường Miên và Tùng Hạ hai cái tên như gắn chặt vào nhau. Nếu như Tùng Hạ - cái tên đầy thi vị được chính bác của Tường Miên đặt tạm hiểu là nơi ở ẩn. Cái tên ấy bắt nguồn từ bài thơ Đường “Tầm ẩn giả bất ngộ” (tìm ẩn sĩ không gặp) của Giả Đào. Thì Tường Miên là cái tên mà người bố đặt cho con gái bằng tất cả tình yêu thương với mong muốn giấc ngủ an lành.

Một buổi sáng mai, tôi có mặt ở nông trại khi sương sớm còn đọng trên lá hương thảo. Hoa hồng, hoa cúc, hoa oải hương đua sắc. Mùi hương thảo, mùi sả bay theo làn gió. Mấy chú mèo nằm lim dim trên giá sách có nắng xuyên vào. Chiếc chuông gió nhẹ đung đưa theo gió, tôi đã từng nghĩ thức giấc ở một nơi như vậy sẽ tuyệt vời biết mấy. Và dòng suy nghĩ ấy còn làm tôn liên tưởng rằng, có lẽ cái tên đã vận vào cuộc đời nên Tường Miên đã chọn và gắn bó với Tùng Hạ.

Việc sản xuất hữu cơ thuận tự nhiên được thực hiện ở Tùng Hạ


Tìm lại hương đất

Tường Miên chính thức vẽ ước mơ của mình ở Tùng Hạ từ năm 2015. Hành trình ấy bắt đầu từ việc tìm lại hương cho đất. Để làm được điều này cây trồng ở Tùng Hạ cũng có sự thay đổi theo thời gian để phù hợp với các giai đoạn từ hoang hóa, đến rửa trôi chất độc và bổ sung dinh dưỡng để cải tạo đất thông qua việc trồng các cây họ đậu và những giống cây hỗ trợ cho đất nhằm tạo thêm các loài sinh vật trong đất. Quãng thời gian ấy kéo dài hơn 2 năm và đó cũng là thời gian Tường Miên ươm giống và trồng thử nghiệm các loại cây mới.

Cũng làm nông nghiệp nhưng ở Tùng Hạ không có chỗ cho phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Ở đó, bổ sung dinh dưỡng cho đất đã có phân hữu cơ, thu hút côn trùng đã có các loài thực vật. Đơn cử như loài cúc thân gỗ, loại cây ra hoa quanh năm. Cách canh tác ở Tùng Hạ vừa quen, vừa lạ. Quen bởi đó là cách sản xuất vốn có của cha ông, lạ bởi nó không giống với xu thế hiện nay của các nông hộ. Bởi trong tổng diện tích 5 ha, nhưng chỉ 2 ha được dùng để sản xuất còn 3 ha bao quanh hoàn toàn là rừng tự nhiên với nhiều loại cây lớn. “Diện tích rừng như chiếc áo giáp bao quanh, giữ Tùng Hạ hoàn toàn miễn nhiễm với cách sản xuất bên ngoài” - chị Nguyễn Thị Hạnh - một người trẻ học chuyên ngành về lâm nghiệp hiện đang làm việc ở Tùng Hạ cho biết.

Ở Tùng Hạ hiện nay chủ yếu trồng cây hương liệu và cây gia vị với khoảng 50 loại khác nhau. Trong đó chủ yếu là cây lavender và hương thảo. Loài cây lavender xuất xứ từ Địa Trung Hải nên khá khó khi trồng ở Việt Nam. “Giai đoạn ban đầu rất khó khăn bởi những giống cây mang từ nước ngoài về khó thích nghi nên dễ bị bệnh. Do Tùng Hạ không trồng các loại cây trong nhà kính nên vào mùa mưa nhiều cây bị thối rễ và chết” - Tường Miên nói. Mãi đến cuối năm 2016, khi Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam đã phân lập thành công chủng Tricorderma mới có tác dụng tốt hơn các chủng cũ trước đó và Miên đã sử dụng cho vườn Lavender của mình. Nhờ vậy, hoa oải hương ra thơm hơn, màu tím hơn và có thể để lâu hơn. Hoa tươi có thể cắm được 10 ngày còn hoa khô để được hơn 10 tháng. Lavender hiện vẫn đang tiếp tục được thuần hóa.

Đồng hành với Tường Miên có Duy, Hạnh, Ngà. Ba bạn trẻ người là kỹ sư công nghệ thực phẩm, người tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp, người học về tài chính. Nhưng điểm chung ở họ là sự yêu thích trồng trọt và thiên nhiên. Họ nói rằng, ở khu vườn này không chỉ lavender mà các cây thảo dược khác như sả, bạc hà, hương thảo đều phát triển tốt. Vợ chồng cô Phạm Thị Hiền đã gần 60 tuổi là những người làm công chăm sóc vườn từ những ngày đầu đến nay. Cô bảo “ở đây làm vườn cũng giống như quê mình ngoài Huế. Không làm trong nhà kính, không dùng thuốc trừ sâu nên dù có làm việc khi trời nắng vẫn không thấy mệt.”. Quả thực ở Tùng Hạ họ làm cỏ, xới đất bằng tay và bón đất bằng phân hữu cơ từ lá rừng, thân cây gỗ mục, trồng hoa hướng dương để vừa thu hút côn trùng vừa lấy thân cây sau khi hết mùa hoa làm phân bón hữu cơ.

Đất khỏe thì cây khỏe và trổ bông xinh đẹp, thơm lừng.

Từ tháng 2 tới tháng 5 là mùa làm tinh dầu ở Tùng Hạ


Hương cỏ cây

Lê Ngọc Thanh Duy là kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm. Lúc còn ở Sài Gòn năng động, công việc của Duy có liên quan tới tìm nguồn thực phẩm hương liệu trong nước để phục vụ cho các nhà hàng cao cấp, các quán bar thay vì phải nhập từ nước ngoài giá thành cao. Mất nhiều thời gian Duy đã tìm ra Tùng Hạ. “Khác với những mẫu thử ở các vườn khác, hương liệu trồng ở Tùng Hạ chất lượng cao, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng kim loại nặng thấp. Nó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính” - Duy nói. Còn đối với riêng Duy, đến Tùng Hạ lần đầu mà ngỡ như đã quen từ lâu lắm, bởi khu vườn với nhiều loài cây chung sống ấy giống với khu vườn của ông bà nội trong tuổi thơ Duy. Đó là lý do đầu tiên để níu chân Duy gắn bó với Tùng Hạ.

Hai năm gắn bó đủ để Duy hiểu rằng khi canh tác thuận theo tự nhiên thì môi trường tự nhiên sẽ hỗ trợ lại việc canh tác. Việc không sử dụng chất hóa học sẽ không ảnh hưởng tới người sản xuất, chất lượng sản phẩm và cả môi trường. Duy nói rằng: “Ngoài 50 loại cây gia vị, 8 loại cây cho tinh dầu ở Tùng Hạ còn có khoảng hơn 200 loài cây khác nhau. Chúng bổ trợ cho nhau tạo ra một hệ sinh thái phong phú. Hiện ở Tùng Hạ ngoài trọng tâm là sản xuất tinh dầu chiếm đến 70%, trang trại còn sản xuất các loại trà hoa hồng, lavender, hương thảo và sả. Đồng thời cung cấp các loại gia vị cho các nhà hàng Âu ở Đà Lạt”.

Muốn cây cho bông đẹp, thơm và tinh dầu tốt, Tùng Hạ để cây ra hoa tự nhiên. “Vì cây phát triển tự nhiên, cây sẽ sản sinh ra những hợp chất tốt và mùi cũng tự nhiên và đậm đà hơn. Giá trị của sản phẩm cũng được nhân lên nhiều lần bởi đó là giá trị sạch” - Duy khẳng định.

Ở Tùng Hạ có 2 mùa làm việc, nếu mùa mưa chủ yếu để ươm và chăm cây, thì mùa khô từ tháng 2 tới tháng 5 là mùa làm tinh dầu. Hiện Tùng Hạ đang ghi tên mình với 13 loại tinh dầu chính. Trong đó có những loại tinh dầu sản xuất từ nguyên liệu tại chỗ gồm: Bạc hà, lavender, hương thảo, sả chanh, sả java. Một số loại tinh dầu khác với nguyên liệu nhập như tinh dầu tràm, quế nhập nguyên liệu từ miền Trung. Tinh dầu bưởi diễn, khuynh diệp nhập từ miền Bắc và một số loại tinh dầu khác nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Toàn bộ các loại tinh dầu đều được tiến hành chiết xuất ở Tùng Hạ.

Pha ấm trà hoa hồng đãi khách, Duy còn ngắt mấy lá húng lủi ngoài vườn cho vào để trà thêm thơm. Duy tự hào bảo rằng, họ tự tin với sản phẩm của Tùng Hạ bởi chúng thật và sạch. Mọi sản phẩm của Tùng Hạ đều là sản phẩm kết tinh của tự nhiên và sự chăm bẵm của con người. Sự chăm bẵm ấy có lẽ thật tâm huyết và kỳ công khi trên đôi bàn tay của chàng kỹ sư trẻ nay đã dày thêm những vết chai sần vì “được làm nông”. Những người như Tường Miên, Duy, Hạnh, Ngà họ rời phố để gắn với rừng, gắn với làm nông không phải bởi họ chán phố. Mà có lẽ bởi họ đã quá yêu những gì thuần túy của tự nhiên. Việc của họ hiện nay đang là đưa ra quy trình sản xuất tối ưu nhất. Tất cả các bước đều được đưa ra bằng con số thống kê, đó chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển. Đồng thời khi hoàn thiện quy trình sản xuất sẽ dễ dàng chuyển giao cho nông dân nếu họ cần.

Sau 5 năm, điều vui nhất của Tường Miên khi nghĩ về Tùng Hạ chính là những dự án đã và đang thành hình hài. Hiện Tường Miên đang tiếp tục theo học ở Mỹ về chuyên ngành nông học, môi trường sinh thái. Ngoài thời gian học, cô còn là tình nguyện viên ở một trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư. Những gì chứng kiến ở đó càng làm cô thêm kiên định với lựa chọn sản xuất nông nghiệp sạch. Chặng đường học tập còn xa nhưng Tường Miên vẫn luôn mong ngóng ngày mang thật nhiều kiến thức, cùng những ấp ủ của mình về với những người bạn đang đồng hành ở Tùng Hạ. 

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,249,981.00