(Lâm Đồng Online) Là địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thế nhưng Lâm Hà vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu nông sản đặc trưng thật sự nổi trội.
Nông sản của Lâm Hà vẫn phụ thuộc vào thương lái
Sản xuất còn thiếu tính liên kết
Nhà nước có nhiều chương trình, biện pháp xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu cho nông sản. Qua đó, đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, hình thành nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nông sản giúp việc liên kết, tiêu thụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, là nông dân Lâm Hà vẫn thờ ơ, chưa tập trung cho khâu quan trọng này, họ vẫn lối tư duy miễn sao làm ra sản phẩm có người tiêu thụ hết là được.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lợi (xã Tân Hà) có 5 sào ớt chuông trong nhà kính, sau khi trồng sản phẩm thương lái tới thu mua. Bà Lợi cho biết, gia đình chỉ biết dựng nhà kính, trồng ra sản phẩm rồi bán cho thương lái chứ chưa thật sự liên kết với hợp tác xã hay doanh nghiệp nào để thu mua sản phẩm. Nông sản làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, họ bảo dội hàng thì mình chỉ biết có vậy.
Đó cũng là tình trạng chung đối với rất nhiều nông sản của hàng ngàn hộ dân sản xuất trên địa bàn huyện Lâm Hà. Khi người ta nhắc tới cà phê họ nghĩ ngay tới vùng Di Linh; tơ tằm thì Bảo Lộc; rau hoa công nghệ cao ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương. Nghiễm nhiên ít ai nhắc tới Lâm Hà, mặc dù tất cả những sản phẩm đó huyện đều có và sản xuất có chất lượng - người tiêu dùng chưa thật sự biết đến do Lâm Hà chưa thật sự xây dựng được thương hiệu nào nổi bật.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, hằng năm, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quản lý thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Lâm Hà vẫn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định, mối liên kết chưa chặt chẽ, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Nguyên nhân chính vẫn do nông dân chưa nhận thức tốt việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản... vẫn bán ra thị trường tự do, dẫn tới giá cả phụ thuộc nhiều vào thương lái. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh các giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Có được thương hiệu bền vững, không chỉ giúp nông sản có được chỗ đứng trên thị trường, nông dân yên tâm sản xuất, mà còn hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tương lai.
“Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản không khó. Cái khó ở đây là phải có hàng nông sản bảo đảm chất lượng đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của nông dân Lâm Hà hiện nay là sản xuất trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về VietGAP… đã dẫn đến nguồn nguyên liệu không đồng đều, chất lượng không ổn định, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường… Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Vấn đề tổ chức nguồn nguyên liệu đầu vào và sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, giá thành ổn định đang là bức xúc của nhiều doanh nghiệp” - vị lãnh đạo này nói.
Để thương hiệu chắp cánh cho nông sản
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, tạo dựng thương hiệu nông sản cho địa phương cũng được hình thành. Nông dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều nông sản sạch.
Với cách làm riêng, bí quyết của mình, anh Nguyễn Hữu Việt (xã Tân Hà) đã đưa sản phẩm hạt mắc ca thành phẩm của mình vào các chuỗi siêu thị CoopMart TP Hồ Chí Minh với giá cao, có chỗ đứng trên thị trường. Để có được điều này, anh Việt đã trải qua 12 năm ròng rã tìm hiểu, xây dựng thương hiệu “Mắc ca Vietsnuts” của mình. Hiện tại, sản phẩm mắc ca của anh đã được các cơ quan chức năng đánh giá, chấm điểm, phát triển thành sản phẩm đặc trưng theo các tiêu chí của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOOP) và được đánh giá tiêu chuẩn 4 sao - sản phẩm sẽ tới tay người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối mà không cần phải kiểm định chất lượng. Còn đối với ông Hồ Tất Và, Giám đốc Công ty Trà Long Đỉnh sau hành trình 10 năm gắn bó, hoàn thiện quy trình chế biến ra loại trà ô long thơm ngon nổi tiếng được thế giới ưa chuộng. Ông chia sẻ: Cây chè ô long đã và đang mang lại giá trị cao cho nông sản Lâm Đồng. Dù hơn 70% sản phẩm chè của công ty được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan theo dạng thô, nhưng công ty vẫn đang nỗ lực từng ngày xây dựng thương hiệu trà “Ô long Long Đỉnh” trong lòng những người yêu chuộng loại trà này. Nhưng trên hết là đã thực hiện thành công khát vọng biến cây chè ô long nhập ngoại thành lợi thế nông nghiệp đặc thù của xuất xứ sản phẩm thương hiện vùng Nam Tây Nguyên.
Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, một sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe như diện tích, phương pháp canh tác, đất đai, khí hậu, kỹ thuật thâm canh, chất lượng sản phẩm... Sản phẩm đó phải tồn tại ở địa phương lâu năm. Để tránh điệp khúc được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, nông dân cần xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản.
Song, xây dựng thương hiệu không chỉ dừng ở việc đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, mà phải từng bước hoàn thiện thương hiệu, khẳng định chất lượng và gắn với tiêu thụ nông sản trên thị trường.
Nếu để mất thương hiệu, không chỉ người nông dân thiệt hại, mà còn ảnh hưởng đến các địa phương và bảo hộ thương hiệu sản phẩm đó. Trên thực tế, không ít sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã xây dựng được thương hiệu, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến khiến sức tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp, giá trị thương hiệu chưa cao. Do đó, việc định hướng xây dựng phát triển thương hiệu tại địa phương đóng vai trò quan trọng.
Để tạo được một thương hiệu tốt, cần tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm đặc sản theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng và liên kết tạo mạng lưới phân phối chặt chẽ, hiệu quả và nghiêm ngặt, hướng đến các thị trường tiềm năng, như: hệ thống các siêu thị, xuất khẩu... Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản và đầu tư nghiên cứu, dự báo thị trường nhằm tìm đầu ra hiệu quả.