9/22/2020 8:20:00 AM
.

Người Đoàn Kết làm rau thương phẩm


 

Người Đoàn Kết làm rau thương phẩm

Cập nhật lúc 05:27, Thứ Ba, 22/09/2020 (GMT+7)
Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà vốn là vùng đất trũng nước đọng. Từ những bãi ruộng trước đây chỉ thích hợp để cây lúa nước sinh trưởng, nay đang được nông dân biến thành một vùng rau thương phẩm trù phú.
 
Dùng bẫy keo diệt ruồi vàng trong vườn tại tổ dân phố Đoàn Kết
Dùng bẫy keo diệt ruồi vàng trong vườn tại tổ dân phố Đoàn Kết
 
Anh Nguyễn Văn Thức, Tổ trưởng Tổ dân phố Đoàn Kết kể lại sự ra đời của vùng đất có cái tên rất ý nghĩa này. Anh bảo, năm 1979, khi huyện Lâm Hà còn chưa thành lập, bà con vùng Ninh Bình, Thanh Hóa đã vào nơi này sinh sống. Khi ấy, Đoàn Kết còn là vùng đất trũng nước đọng, chỉ trồng được cây lúa. Bà con sống bằng cây lúa, mảnh có nước tưới thì trồng hai vụ, mảnh không có nước tưới chỉ trồng được một vụ. Bà con có kinh nghiệm trồng lúa, chăm sóc rất bài bản, năng suất lúa khá nhưng trồng lúa chỉ giúp gia đình đủ ăn, bà con không có thu nhập thêm thì vô cùng khó khăn. Vậy là năm 2014, cùng với sự hỗ trợ, động viên của Nhà nước, bà con cải tạo nguyên vùng đất ruộng trũng trở thành vùng trồng rau thương phẩm, trồng dâu nuôi tằm. Anh Thức chia sẻ, hiện Đoàn Kết có 125 hộ, hầu hết các hộ đều trồng rau thương phẩm và trồng dâu nuôi tằm, đời sống thay đổi rất nhiều. 
 
Đưa khách xuống thăm vườn mướp hương của gia đình anh Nguyễn Văn Thực, thường gọi là Nam, anh Thực giới thiệu hiện người Đoàn Kết hôm nay trồng dưa leo, trồng chanh dây, trồng mướp đắng, mướp hương, cà chua, đậu cô-ve…, nói chung là những cây dạng thân leo, phù hợp với vùng đất nơi đây. Được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, bà con Đoàn Kết cần cù, chăm chỉ, hăng say lao động, thu hoạch từ đất ruộng rất tốt. Đặc biệt, với ý thức của người nông dân thích ứng với thời đại, bà con Đoàn Kết tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học tiên tiến trong trồng trọt. Anh Thực giới thiệu: “Ở đây bà con trồng rau dạng cây thân leo ăn quả nhiều, rất sợ con ruồi vàng chích hút khiến quả hư, cong vặn, không bán được hay bán với giá rất thấp. Như mướp, dưa leo hay đậu là rất kị con ruồi vàng này, nó chích là trái bỏ. Nhưng dân chúng tôi không phun thuốc diệt ruồi mà thay vào đó, cán bộ kỹ thuật bày mua bẫy keo về xử lý ruồi vàng. Bẫy keo được treo khoảng 20 tấm/sào, có tác dụng thu hút và dính ruồi vàng vào bẫy, không còn đủ lượng gây hại. Xử lý ruồi vàng bằng bẫy keo vừa giảm chi phí, lại hoàn toàn không gây hại tới chất lượng trái của chúng tôi, bán cho người tiêu dùng rất an tâm”. Cũng vì vậy, vùng rau thương phẩm Đoàn Kết trở thành một vùng cung cấp rau khá lớn cho thị trường, nhất là các loại rau ăn trái như mướp, mướp đắng, dưa leo. Mỗi ngày, hàng tấn trái các loại được xe của vựa từ Đức Trọng chạy vào thu mua cho bà con với giá cả ổn định.
 
Không chỉ trồng rau, người Đoàn Kết còn trồng dâu nuôi tằm. Gần 80% số hộ trong tổ trồng dâu ngay trên những chân đất cải tạo từ đất lúa. Cây dâu con tằm giúp gia đình có thu nhập đều đặn với sức lao động bỏ ra không nhiều. Tổ trưởng Tổ dân phố Nguyễn Văn Thức kể lại, Nhà nước rất động viên bà con chuyển đất sản xuất kém sang trồng các loại cây cho thu nhập cao. Như năm 2018, 2019, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ năng suất kém sang trồng rau 1 triệu đồng/ha. Nguyên cánh đồng Đoàn Kết lớn nhất tổ, là điểm canh tác tập trung của bà con rộng 32 ha đều được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi. Cán bộ nông nghiệp còn thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm mới, các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến hơn, cho ra những nông sản chất lượng hơn. Ông Đinh Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn chia sẻ, bà con tổ dân phố Đoàn Kết thực sự đã đoàn kết, chung tay xây dựng một vùng rau thương phẩm đa dạng, cung cấp cho thị trường những loại trái ngon, sạch; đồng thời xây dựng kinh tế gia đình ngày thêm no ấm. Từ một vùng trồng lúa thu nhập thấp, nay Đoàn Kết ngày càng xanh tươi, màu xanh từ bàn tay của bà con vun đắp dựng xây quê hương mới.
 
,
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,216,859.00