(Lâm Đồng Online) Anh Trần Quốc Chính ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà đã xây dựng được thương hiệu “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng”, không những thế, sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng Hàn Quốc với chính thương hiệu này.
Sản phẩm “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng” trên kệ hàng ở Hàn Quốc với thương hiệu của chính sản phẩm này
Lâm Hà là một trong những vùng trọng điểm được tỉnh quy hoạch trồng và phát triển cây mắc ca. Vì thế, bên cạnh việc tập trung quy hoạch mở rộng diện tích mắc ca, huyện Lâm Hà cũng chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho hạt mắc ca qua chế biến, tạo chỗ đứng trên thị trường. Điều đáng phấn khởi là hiện địa bàn huyện đã có các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến sâu để đưa hạt mắc ca trở thành đặc sản mới của huyện nhà, trong đó phải nói đến thương hiệu “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng” được gây dựng bởi Doanh nghiệp Sao Vàng Mắc Ca ở xã Hoài Đức, Lâm Hà.
Chúng tôi đến thăm Công ty Sao Vàng Mắc Ca được gây dựng bởi tâm huyết của anh Trần Quốc Chính khi anh mới từ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nằm trong Khu Du lịch Lang Biang trở về. Sản phẩm Mắc ca của anh đã đăng ký thành công độc quyền thương hiệu “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng”, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời, được cấp chứng chỉ ISO 2200-2018 và đã hoàn thành hồ sơ công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Anh kể, là con trong một gia đình thuần nông, những năm tháng tuổi thơ của mình gắn bó với nông nghiệp, đó là lý do anh chọn học ngành thực phẩm của Trường Đại học Nông lâm và theo đuổi ước mơ đem nông sản quê hương ra thế giới. Sau những năm bôn ba ở thành phố vừa học, vừa làm để tích lũy kinh nghiệm, năm 2015 anh quyết định về quê để khởi nghiệp.
Những năm đầu loay hoay với việc chọn loại nông sản để làm, năm 2017, nhận thấy cây mắc ca là thế mạnh của Lâm Hà, song đa số người nông dân chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, thị trường đầu ra chưa ổn định; anh tiến hành mở cơ sở thu mua và bắt đầu học hỏi, tìm hiểu cách thu hoạch, bảo quản, chế biến mắc ca đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đến cuối năm đó, anh quyết định thành lập công ty và đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, cơ sở hạ tầng, cũng như các thủ tục về an toàn thực phẩm, nhằm từng bước gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Là doanh nghiệp được hình thành và phát triển trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại địa phương, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động kinh doanh, ưu tiên hàng đầu của công ty là hỗ trợ người nông dân trên địa bàn huyện cách trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca. Hiện có 30 hộ trồng mắc ca với tổng diện tích trên 100 ha trên địa bàn các xã Tân Thanh, Hoài Đức, Liên Hà, Đan Phượng được doanh nghiệp thu mua. Hiện tại sản lượng thành phẩm để cung ứng ra thị trường của công ty vào khoảng 90 tấn/năm.
Với mục tiêu tạo uy tín, niềm tin trong chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị cạnh tranh của sản phẩm mắc ca trên thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài, doanh nghiệp này không chỉ đầu tư một hệ thống máy móc hiện đại đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, mà còn chú trọng đến việc hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân trồng mắc ca.
Để hạt mắc ca đạt chuẩn, sản phẩm của anh sau khi thu mua của người nông dân, anh Chính tiến hành tách vỏ xanh, sấy lạnh và rang. Với cách làm này, mắc ca của Công ty Sao Vàng có chất lượng thơm ngon. Nhìn nhận sản phẩm mắc ca ở thị trường nội địa quá nhiều chủng loại và giá cả, anh Chính hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị của hạt mắc ca. Anh Chính chia sẻ, một người bạn của anh làm du lịch ở Đà Lạt có đoàn khách Hàn Quốc muốn tìm hiểu về nông sản cũng như quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp địa phương, người bạn này dẫn khách về tham quan cơ sở chế biến mắc ca của anh. Anh đã giới thiệu về cách trồng, chăm sóc và chế biến, khách tỏ ra rất thích thú. Khi họ về, anh có biếu mỗi người một hộp mắc ca đem về làm quà và kèm theo danh thiếp. Sau 2 tháng, một trong những du khách ấy điện thoại qua Việt Nam và đặt vấn đề thu mua.
Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng Hàn Quốc, yêu cầu của bên đối tác là sản phẩm phải được cơ quan chuyên môn chứng nhận thực phẩm đạt chất lượng. Anh Trần Quốc Chính đem sản phẩm của mình đi thử nghiệm và được Trung tâm Kiểm nghiệm TSL ở thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Vậy là, lô hàng đầu tiên 1 tạ được xuất bán thành công, mở ra cơ hội xuất ngoại cho hạt mắc ca. Lô hàng tiếp theo 2 tấn được bán sau 2 tuần khi sản phẩm của công ty được người tiêu dùng Hàn Quốc đánh giá cao về chất lượng.
Điều đặc biệt, sản phẩm “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng” của anh Chính được mang chính thương hiệu của mình đến tay người tiêu dùng Hàn Quốc. Niềm vui, phấn khởi về tương lai của sản phẩm mắc ca đang tiếp thêm động lực, tâm huyết cho doanh nghiệp trên chặng đường phía trước. Tham vọng của doanh nghiệp là sẽ tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính khác như Singapore và các nước châu Âu.
Hơn 3 năm miệt mài gây dựng, bằng trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết của những tri thức trẻ, anh Trần Quốc Chính đang hiện thực hóa ước mơ của mình là tạo dựng thương hiệu “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng” bằng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững giữa doanh nghiệp với người nông dân.