Thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt nhiều điều kỳ thú, khí hậu mát mẻ quanh năm, là vườn “bách thảo kỳ hoa” giữa không gian thơ mộng. Xứ sở này có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực chất lượng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Miền đất lành kết tụ những sản vật nổi tiếng, cùng với cảnh quan thơ mộng và kiến trúc độc đáo, hấp dẫn những bước chân lữ khách.
![]() |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, rau, hoa và cà phê arabica Đà Lạt có lợi thế so sánh đặc biệt, nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng. Trải qua hơn 80 năm hình thành nghề trồng hoa, Đà Lạt đã trở thành vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước, với hàng trăm doanh nghiệp, nông hộ sản xuất hoa công nghệ cao, những làng hoa truyền thống Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành, Xuân Thành… Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang đánh giá: “Qua tìm hiểu ngành sản xuất hoa tại các nước trong khu vực và một số nước châu Âu, chúng tôi cho rằng, Đà Lạt là mảnh đất màu mỡ để phát triển ngành hoa cao cấp và thị trường đang rộng mở với hoa Đà Lạt”.
![]() |
Tại Lâm Đồng, sự ra đời của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về khoa học, công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Thành lập năm 1994, Dalat Hasfarm là doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện diện tích sản xuất hoa cao cấp của công ty đạt gần 320 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống, cung ứng thị trường trên khắp thế giới. Năm 2020, Dalat Hasfarm đạt Giải Vàng hạng mục sản xuất hoa cắt cành thế giới, do Hiệp hội ngành Công nghệ Trồng trọt - Làm vườn Quốc tế (AIPH) bình chọn.
Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ sinh học thực vật tại TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Huy (SN 1984, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng), quyết định trở về quê lập nghiệp và anh gắn với nông nghiệp thông minh ngay từ ngày đầu. Trang trại của gia đình Huy gần một ha, nằm bên sườn đồi, trên đường Mimosa, TP Đà Lạt. Trong khu nhà kính hiện đại, những luống cà chua trĩu quả. Tôi không thấy đất, vì toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng màng chất dẻo, mỗi gốc cà chua được trồng trong chậu. Cũng không thấy đường máng, vì nước và chất dinh dưỡng được nhỏ giọt vào từng gốc cây bằng hệ thống ống dẫn rất nhỏ. Lâu lâu, những công nhân đến vệ sinh trên những lối đi trong vườn. “Công nghệ, máy móc làm hết rồi. Từ chế độ bón phân, tưới, đến chế độ chăm sóc. Giờ con người chỉ còn việc nhặt lá, chăm sóc cây, hệ thống đưa ra cảnh báo thì mình xử lý phù hợp”, Huy nói.
Trong quá trình tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao, tôi đã gặp Nguyễn Thành Nguyên và được nghe anh kể về chuyện làm nông ở các nước phát triển. Sau khi hoàn thành chương trình du học tại Mỹ, Nguyên quyết định trở về quê hương Đà Lạt, để thỏa ước mơ được làm nông dân theo cách riêng của mình. Từ 3 ha đất sản xuất ban đầu, giờ đây, Nguyên đã có trong tay một trang trại sản xuất rau công nghệ cao hiện đại bậc nhất tỉnh Lâm Đồng, diện tích hơn 20 ha. “Đà Lạt thực sự là miền đất lý tưởng để phát triển nông nghiệp hiện đại”, Nguyên khẳng định.
Đà Lạt là vùng đất có khí hậu, độ cao và thổ nhưỡng để sản sinh cà phê arabica chất lượng cao. Một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê Arabica của Việt Nam, là một trong những vùng cà phê Arabica có chất lượng cao trên thế giới. Hiện thương hiệu “Cà phê Arabica Langbiang”, “Cà phê Cầu Đất - Đà Lạt” và “Cà phê Di Linh” đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Riêng cà phê Arabica Cầu Đất còn được chọn đưa vào chuỗi bán hàng Starbucks tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Lâm Đồng hiện có hơn 62.000 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20,8% diện tích canh tác; 26 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu, như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, Cà phê Arabica Langbiang, Tơ lụa Bảo Lộc, Atiso Đà Lạt, Hoa hồng Langbiang... Nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt đến 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. Phần lớn rau, hoa công nghệ cao và cà phê Arabica được sản xuất chủ yếu tại Đà Lạt và vùng phụ cận.
Những vườn rau xanh mướt, những vườn hoa khoe sắc và những vườn cây trái lạ... đã được kết nối, hình thành nên những tour du lịch canh nông hấp dẫn. Du lịch bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp đã và đang hình thành tại phố núi.
Đà Lạt - Lâm Đồng hội đủ những lợi thế so sánh về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và nhân lực. Cùng những cơ chế chính sách, thời gian qua, địa phương đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI, cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm rót vốn đầu tư; với tổng số hơn 11,5 nghìn doanh nghiệp còn pháp nhân; hàng chục doanh nghiệp FDI đầu tư lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Với mục tiêu, đưa các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu số một tại Việt Nam, từng bước lan tỏa thương hiệu đến thị trường quốc tế, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập ban quản lý và kế hoạch hành động phát triển, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Với sứ mệnh, mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất lành, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến với mọi người.
Đà Lạt là thế, cho người này niềm vui, người kia sự mát lành!
MAI VĂN BẢO