(Lâm Đồng online)
Những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) có những thành tựu đáng ghi nhận, và để phát triển bền vững, huyện Lạc Dương đã chủ trương đưa những giống cây trồng chất lượng cao và quy hoạch vùng NNCNC mang lại sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2017 - 2020, nghị quyết của Huyện ủy và kế hoạch của UBND huyện Lạc Dương đã đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp sát thực tế để đến năm 2020, tăng diện tích sản xuất NNCNC trên 40%; nâng giá trị bình quân trên một đơn vị diện tích đạt từ 220 - 250 triệu đồng/ha/năm. Theo đó, chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi, đầu tư sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa, dâu tây, các loại cây dược liệu và cây cà phê được cấp chứng nhận Cà phê Arabica LangBian; tăng diện tích nuôi cá nước lạnh trên 30 ha, sản lượng trên 1.000 tấn/năm; tập trung xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, diện tích 221,32 ha.
Doanh nghiệp trồng dâu tây ở Khu NNCNC Ấp Lát. Ảnh: P.Vân
Tăng thu nhập từ NNCNC
Ở Lạc Dương, các năm gần đây việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gia tăng, phát triển đáng kể cả số lượng diện tích, chất lượng, quy mô đơn giản tới hiện đại (trồng rau thủy canh, nhà kính Israel điều chỉnh ánh sáng, hệ thống cảm biến, châm phân tự động, tưới nhỏ giọt...) đã và đang triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Hiện nay có khoảng 1.912 ha sản xuất (rau, hoa, dâu tây) ngoài trời, áp dụng công nghệ đơn giản, hệ thống tưới phun mưa tự động. Tổng diện tích nhà kính toàn huyện có 738 ha chủ yếu là rau, hoa, dâu tây...
Thông qua các chương trình, chính sách được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn huyện, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân. Nhiều mô hình đã được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng nông thôn. Ngoài phát triển trồng trọt, thủy sản đang là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chỉ riêng nuôi cá nước lạnh, hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương có 12 tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh đang thực hiện hiệu quả trên tổng diện tích thực hiện 16,1 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm bình quân đạt 1.000 tấn/năm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với năng suất chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sản xuất NNCNC ngày càng phát triển, ngoài các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đã có nhiều hộ dân đầu tư nhà lưới, nhà kính đề trồng rau, hoa. Thống kê cho thấy, diện tích canh tác rau, hoa có 633 ha được trồng trong nhà kính, nhà lưới và áp dụng công nghệ tưới tự động, bán tự động, một số tiêu chuẩn tiên tiến VietGAP, Global GAP, rau thủy canh, trồng trong giá thể hữu cơ... Giá trị sản xuất bình quân 225 triệu đồng/ha canh tác; doanh thu sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 800 triệu đồng/ha, rau đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Đối với sản xuất rau ngoài trời doanh thu đạt khoảng 150-200 triệu đồng/ha, còn cà phê đạt khoảng 90 triệu đồng/ha. So với sản xuất thông thường, sản xuất NNCNC tăng trên 30%.
Đưa cây trồng có giá trị vào phát triển
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường do nhà kính gây ra, những năm gần đây, ngoài phát triển rau, hoa nhà kính theo hướng NNCNC, Lạc Dương đã từng bước đưa cây dược liệu vào sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng tỷ trọng cây dược liệu trong ngành nông nghiệp tại địa phương.
Để phát triển diện tích dược liệu mới này, huyện khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ khi tham gia trồng dược liệu. Qua đó, huyện Lạc Dương đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu lớn nhất tỉnh với 500 ha gieo trồng.
Bên cạnh đó, Lạc Dương cũng phê duyệt quy hoạch 5 địa điểm sản xuất nông nghiệp dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế của địa phương. Cụ thể, Khu sản xuất NNCNC Ấp Lát, xã Đạ Sar với quy mô 346 ha; Khu sản xuất NNCNC khu vực Đạ Đeum, xã Đạ Sar với quy mô 172 ha; Khu sản xuất NNCNC Klong Klanh, xã Đạ Chais với quy mô 181 ha; Khu NNCNC Lâm Đồng tại xã Đạ Sar với quy mô 221,32 ha và Vùng sản xuất cà phê ứng dụng NNCNC với quy mô 300 ha hình thành trên địa bàn thị trấn Lạc Dương. Theo đó, nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất, nhiều giống mới chất lượng cao đã được doanh nghiệp đầu tư tại vùng quy hoạch.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lấp đầy những khu quy hoạch này đạt thấp, một số doanh nghiệp vào đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả rồi thoái lui. Lạc Dương đang nỗ lực để đưa những khu này hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tư nhân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã đến Lạc Dương đầu tư mở các trang trại sản xuất rau, hoa sạch theo quy trình NNCNC, VietGAP... Việc hình thành các trang trại rau, hoa trên địa bàn vừa góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, vừa tạo chất “xúc tác” để NNCNC ở Lạc Dương phát triển. Bên cạnh những diện tích phát triển này, Lạc Dương đã và đang tuyên truyền với người dân về việc hạn chế sử dụng nhà kính trồng trọt nếu không cần thiết, đưa loại cây trồng chất lượng cao để người dân theo đó áp dụng, điều này không chỉ tăng hiệu quả sản xuất, giảm diện tích nhà kính mà còn tiết kiệm cho nông dân đầu tư chi phí ban đầu. Và phấn đấu đến năm 2020, Lạc Dương trở thành huyện NNCNC bền vững.