11/15/2019 8:45:00 AM
.

Khi thanh niên bỏ phố về quê


     (Lâm Đồng Online)
       Sau chuỗi ngày bôn ba ở các thành phố lớn, nhận thấy nơi mình sinh ra có cơ hội khẳng định bản thân hơn, nhiều thanh niên ở vùng ven Đà Lạt đã bỏ lại nơi phồn hoa phố thị trở về quê nhà gây dựng cơ nghiệp bằng con đường làm nông nghiệp.

Bỏ phố về quê làm nông nghiệp, mỗi năm gia đình anh Đỗ Việt Tuấn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: H.Yên
Những mùa quả ngọt
       Không ít thành niên sau khi học xong ở các thành phố lớn đã chọn ở lại để mưu sinh, nhưng sau đó lại quay về quê hương gây dựng lại cơ nghiệp. Anh Đỗ Việt Tuấn, sinh năm 1985, học và bám trụ ở TP Hồ Chí Minh khi có nghề sửa chữa điện tử. Sau ít năm bôn ba, lấy vợ rồi Tuấn chợt nhận ra nếu cứ sống như thế này biết bao giờ mới khấm khá. Năm 2017, hai vợ chồng anh Tuấn bàn bạc, quyết định về quê làm lại từ đầu.

      Trở về Trạm Hành (Đà Lạt), anh Tuấn cùng với mẹ cải tạo vườn để đầu tư nhà kính trồng rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Dần dần sau khi học được kinh nghiệm, vườn ớt chuông và hoa đồng tiền của gia đình đã bắt đầu sinh lợi. Anh Tuấn tiếp tục tái đầu tư, từ 1 sào rau hoa ban đầu đến nay anh đã đầu tư thêm để phát triển vườn lên đến 6 sào nhà kính với 2 sào ớt chuông và 4 sào trồng hoa đồng tiền khá hiện đại, bao gồm: hệ thống tưới nhỏ giọt từng gốc, tưới phun sương làm mát. Khoảng 1 năm trở về quê làm nông nghiệp, tin tưởng ở con trai, mẹ anh Tuấn đã giao hẳn công việc cho con làm. Đến nay, sau gần 3 năm sản xuất, vườn rau, hoa công nghệ cao của chàng trai 8X đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

      Cũng thuộc thế hệ 8X, trước khi quyết định về quê “khởi nghiệp” bằng con đường làm nông, anh Trần Thanh Trung (sinh năm 1986), bằng sự kiên trì và vốn kiến thức nông nghiệp sâu rộng đã giúp anh trở thành nông dân tiêu biểu của xã Xuân Trường về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

       Anh Trung nhớ lại niềm đam mê nông nghiệp đã “ngấm vào máu” mình từ thuở ấu thơ bởi gia đình anh xuất phát từ nghề nông. Chính vì vậy, sau khi đi bộ đội, có cơ hội học lên sỹ quan và thăng tiến trong ngành Quân đội, nhưng vì một vài biến cố gia đình anh phải xuất ngũ trở về quê hương. Anh xác định ngay cho mình con đường khởi nghiệp sau khi về nhà là: Trồng hoa tại Đà Lạt.

      Không phụ công chăm bón khó nhọc của anh, những cây hoa thi nhau đâm chồi nảy lộc và bung nụ. Anh Trung cho biết: “Có sản phẩm rồi, việc tìm đầu ra cũng rất khó khăn. Thị trường anh nhắm tới chủ yếu là các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày anh cắt được 8.000 bông đồng tiền và cẩm chướng, giá cả ổn định nên thu nhập của anh tương đối cao. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với mức tiền trả thù lao là 5 triệu đồng/tháng và bao ăn, ở.

Làm nông nghiệp không dễ

      Ở vùng Xuân Trường, Trạm Hành không chỉ có anh Tuấn, anh Trung mà có tới gần 20 thanh niên thuộc thế hệ 8X, 9X sở hữu nhà kính trồng rau, hoa mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong đó, có trên dưới chục người rời phố về quê lập thân, lập nghiệp.

       Anh Nguyễn Hữu Công (sinh năm 1986), sau 3 năm bôn ba chốn thị thành, anh đã xin nghỉ việc về quê phụ giúp gia đình. “Mình đã bỏ công việc đang trên đà phát triển để về nhà vì bố mẹ đã lớn tuổi, không thể quán xuyến được việc sản xuất nông nghiệp của gia đình. Cũng chính trong thời gian ở nhà này, với tư duy của một người có ý chí làm giàu mạnh mẽ mà mình đã nảy ra ý tưởng xây dựng nhà kính để phát triển kinh tế, vì nhận thấy vùng Đà Lạt có lợi thế về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

      Anh Công chia sẻ: Đừng tưởng làm nông nghiệp mà dễ. Làm nông như tôi bây giờ cũng rất căng thẳng, áp lực không hề nhỏ vì lo rất nhiều thứ: đất, nước, không khí, sâu bệnh... đến giá cả và đầu ra của sản phẩm.

       “Ngay những ngày đầu mới chập chững vào nghề tôi đã nếm một vố đau khi trồng ớt chuông, hoa cát tường lần lượt rũ héo và chết. Nhiều người khuyên từ bỏ và chấp nhận thua lỗ nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ với suy nghĩ “mình đâm lao thì phải theo lao, còn nước còn tát”. Với suy nghĩ đó, tôi đã vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng mới đủ trang trải chi phí thua lỗ” - anh Công nhớ lại.

        Thất bại ngay từ lần đầu làm nông nghiệp, anh Công cảm thấy mệt mỏi và hoang mang; gia đình và người thân cũng rất lo lắng cho việc làm ăn của anh. Tuy vậy, với lòng đam mê, quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình, anh Công quyết định làm lại từ đầu, tiếp tục vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp trở lại: đánh đất, lên luống và xuống giống…

        Phương châm sống của anh Công đơn giản là “Kiên trì ắt thành công”. Bởi theo anh vấp chỗ nào ta đứng lên từ chỗ đó, đối với nông nghiệp, sản xuất phải dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nắm vững kỹ thuật. Vì vậy, khi thất bại thì mình vẫn có niềm tin, khi đam mê, chú tâm về một nghề chắc chắn sẽ thành công.

        Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Trạm Hành chia sẻ: Phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp trên địa bàn đang từng ngày đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tuổi trẻ ở vùng ven Đà Lạt đã biết lập thân, lập nghiệp dựa trên tiềm năng nông nghiệp của địa phương. Để thanh niên, nhất là thanh niên vùng nông thôn khởi nghiệp thành công cần có sự chung tay, đồng hành của các tổ chức đoàn thể, tín dụng. Qua đó, Đoàn cũng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy trình, thủ tục và giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu ở các nơi để đoàn viên, thanh niên tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Đoàn xã cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 3 tổ vay vốn với tổng số vốn trên 3,8 tỷ đồng với số dư tiết kiệm trên 220 triệu đồng. Qua đó, đã giúp nhiều thanh niên nơi đây tự tin đứng vững trên đôi chân với khao khát chinh phục đỉnh cao kinh tế.các thành phố lớn, nhận thấy nơi mình sinh ra có cơ hội khẳng định bản thân hơn, nhiều thanh niên ở vùng ven Đà Lạt đã bỏ lại nơi phồn hoa phố thị trở về quê nhà gây dựng cơ nghiệp bằng con đường làm nông nghiệp. 

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,406,083.00