7/21/2020 7:59:00 AM
.

Khi nhãn hiệu ’Dâu tây Đà Lạt’, ’Hồng Đà Lạt’ được bảo hộ


(Lâm Đồng Online) Ngành nông nghiệp Đà Lạt đã được hình thành từ lâu và đặc biệt phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, giải quyết việc làm cho phần lớn lao động trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế chung của tỉnh.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn nhận chứng nhận nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt” từ đại diện Cục Sở hữu trí tuệ
 Hơn mười năm trở lại đây, người sản xuất tại Đà Lạt đã ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp như: công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống cây trồng, ứng dụng các thiết bị công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến... nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Để góp phần định hướng phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 về việc phê duyệt kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Theo đó, thành phố Đà Lạt cũng đã ban hành kế hoạch phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của thành phố. Trong đó, tập trung xây dựng các nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với các sản phẩm đặc trưng như: rau, hoa, hồng ăn trái, dâu tây, nấm, cà phê Arabica, chè... Có thể nói, việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu đang trở thành mối quan tâm chung của tỉnh, có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là dịp để chính quyền địa phương và những người nông dân tiếp cận được quy trình, mục đích của việc xây dựng nhãn hiệu, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và tầm quan trọng của việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu đối với sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương.

Trong bối cảnh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm được bảo hộ bị một số đối tượng lợi dụng, giả mạo lưu thông trên thị trường như hiện nay thì nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt” ra đời và được sự bảo hộ của độc quyền trong phạm vi cả nước đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để việc sản xuất các sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương phát triển.

Tuy nhiên, để các nhãn hiệu này đứng vững trên thị trường và trở thành một thương hiệu mạnh của cả nước, thì vai trò của các đơn vị, tổ chức, cá nhân là đối tượng sử dụng và hưởng lợi trực tiếp từ nhãn hiệu sẽ hết sức quan trọng và cần đảm bảo chất lượng, nâng cao uy tín của thương hiệu được công nhận, bảo hộ.

Nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” và nhãn hiệu chứng nhận “Hồng Đà Lạt” được kì vọng, khi các tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn thành phố sử dụng hai sản phẩm này sẽ góp phần nâng cao giá trị, chất lượng và tạo uy tín cho thương hiệu nông sản thế mạnh của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời cũng có cơ sở pháp lý để loại bỏ những doanh nghiệp lợi dụng địa danh các sản phẩm đặc thù của Đà Lạt để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường và giúp người nông dân ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa, gia tăng thu nhập. “Tôi tin rằng với sự quyết tâm của thành phố và sự hưởng ứng tích cực của những người nông dân, các doanh nghiệp, nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” và nhãn hiệu chứng nhận “Hồng Đà Lạt” sẽ phát triển và trở thành một thương hiệu phát triển mạnh trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Chị Lê Thị Bích Phượng (hộ trồng dâu tây Đà Lạt theo mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính) tại Phường 6, Đà Lạt cho biết: Người dân Đà Lạt chúng tôi rất yêu quý thành phố và các sản phẩm đặc trưng của thành phố Đà Lạt. Chúng tôi không chỉ giữ gìn vẻ đẹp của thành phố mà còn nâng niu, trân trọng các sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt. Vì thế, khi biết tin nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” chính thức được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là cơ hội cho người dân, hộ trồng và kinh doanh dâu tây chúng tôi được phát huy. Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương và ngành chức năng đã quan tâm đến công tác bảo hộ nhãn hiệu này để người tiêu dùng tránh nhầm lẫn, phân biệt với các mặt hàng Trung Quốc trà trộn, đội lốt nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”. Đây là niềm khích lệ để người dân chúng tôi lại tiếp tục trồng, chế biến và cung cấp những trái dâu tây thực sự ngon, đẹp, an toàn để người tiêu dùng và du khách đến tham quan, thưởng thức sản phẩm “Dâu tây Đà Lạt” sẽ nhớ mãi vị ngọt, tươi ngon và an toàn cho sức khỏe khi sử dụng.

Theo đó, các vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp, các hộ trồng, chế biến dâu tây và hồng Đà Lạt đó là cần thiết phải đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, sản xuất và chế biến đối với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của thành phố để tạo ra sự bền vững trong tương lai, nhất là đối với sản phẩm hồng và dâu tây Đà Lạt đã được bảo hộ nhãn hiệu.  
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,230,322.00