Du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp đã trở thành xu hướng quen thuộc trên thế giới. Tại Lâm Đồng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thương hiệu du lịch Đà Lạt, cùng sự phát triển mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao, từng bước tiếp cận nông nghiệp thông minh, thì cái “bắt tay” giữa du lịch và nông nghiệp đã mở ra triển vọng của sản phẩm du lịch mới trên cao nguyên Lâm Viên.
Phố núi Đà Lạt với những vườn rau sạch, những chùm dâu tây chín mọng, có thể ăn ngay tại chỗ; hay những vườn hoa khoe sắc trong cái se lạnh ngọt lành… đã níu chân du khách về với xứ sở này, mở ra triển vọng của du lịch canh nông trên miền cao nguyên đất đỏ. Rất nhiều lần đến với xứ ngàn hoa Đà Lạt, nhưng lần này, chị Hoài Thương (TP Nha Trang, Khánh Hòa), được hướng dẫn viên hãng lữ hành giới thiệu những điểm đến khác lạ, như vườn lan YSA Orchid, vườn dâu Thanh Trung, vườn rau hợp tác xã Xuân Hương, trang trại Biofresh... để trải nghiệm nông dân công nghệ cao, thưởng thức đặc sản phố núi. Hay thư giãn trong không gian quán cà phê Green Box lãng mạn, được bao bọc bởi những giàn rau khí canh, những giàn cây trái hữu cơ; cùng thu hoạch rau thủy canh tại trang trại Đức Tín, tự tay lựa chọn những đóa hoa cao cấp ở Dalat Hasfarm… Đó là những trải nghiệm mới mẻ đang được du khách trong nước và quốc tế chọn lựa trên hành trình khám phá phố núi Đà Lạt.
Rời xa nhịp điệu phố thị, rong ruổi trên những cung đường Nam Tây Nguyên, du khách có thể tìm về miền trà cổ Cầu Đất, tìm hiểu lịch sử phát triển ngành trà trên xứ bazan, “bay” trên những đồi chè ô long tỏa hương dìu dịu; thả cảm xúc trên những cánh đồng hoa cẩm tú cầu, fogetmenot, tam giác mạch bát ngát phía chân đèo Tà Nung - Đà Lạt.
Chúng tôi rời phố, chậm chậm trên cung đường qua làng hoa Vạn Thành, một trong năm làng hoa truyền thống của Đà Lạt. Từ trên cao đã thấy cung bậc của sắc hoa hồng, salem, cẩm chướng, đồng tiền… xuôi theo triền núi, chạy dọc suối Cam Ly huyền thoại. “Ở đây, hoa trổ bông quanh năm, nên du khách có thể tham quan bất cứ lúc nào. Cùng với lưu dấu khoảnh khắc cùng sắc hoa Đà Lạt, du khách sẽ được chứng kiến khung cảnh sản xuất, thu hoạch hoa từ sáng tinh sương, hay khi hoàng hôn phủ xuống”, chị Kiều Oanh, cư dân làng hoa Vạn Thành thổ lộ.
Ngay giữa làng hoa Vạn Thành là khu du lịch Đà Lạt rau thủy canh. Nắng lên dịu nhẹ, lấp loáng trên dải nhà kính trải dài hết thung lũng. Bên trong, chủ nhân xây dựng những bậc thang vừa đủ để du khách tham quan vườn, trên những lối đi được trang trí các loài hoa sẵn có ngay tại làng hoa Vạn Thành. Tại đây, đang thu hút lượng khách rất lớn trên hành trình khám phá Đà Lạt. “Rất thú vị. Đến đây được trải nghiệm “hai trong một”, vừa tìm hiểu kiểu trồng rau ở lưng chừng trời, vừa được làm dáng cùng hoa trong tiếng nhạc dặt dìu theo từng bước chân”, chị Lan Hương, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Ngược phía núi Lang Biang, tại quán cà phê Green Box, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Đà Lạt, một không gian cà phê lãng mạn, được “bao bọc” bởi những vườn rau công nghệ cao, chúng tôi gặp ông Trần Huy Đường, chủ nhân của quán và Langbiang Farm rộng gần 30 ha. Ông Đường từng công tác trong ngành thông tin, sớm tiếp xúc với nền công nghệ tiên tiến. Nhận biết dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông đã nghỉ ngang và về với nghiệp nông phố núi, ông chia sẻ: “Thực ra, mình mới làm du lịch canh nông, nhưng cách làm khác biệt. Trong khu vườn công nghệ cao, mình chia diện tích hợp lý để trồng rau, hoa và mở quán cà phê, cung cấp nông sản an toàn. Du khách đến đây vừa được thưởng thức cà phê trong không gian xanh và an tâm khi tận tay thu hái sản phẩm”.
Thời gian qua, nhiều đoàn khách đã tìm đến nhà vườn Đà Lạt để cùng ở, cùng làm nông. Với miền đất được thiên nhiên ưu đãi, cùng với nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển, nhiều nhà nông nơi đây đã hướng đến loại hình du lịch canh nông. Ngoài việc “xuất khẩu” sản phẩm tại chỗ, du lịch canh nông còn giúp thương hiệu nông sản của họ lan xa…
Dù là loại hình du lịch thứ phát dựa vào nền tảng nông nghiệp, nhưng du lịch canh nông đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp; nguồn thu nhất định cho nông dân. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Những điểm du lịch canh nông đã được công nhận sẽ được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, được hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch và hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá”. Đồng thời, để đưa một loại hình du lịch mới vào hoạt động, phải có phương thức tổ chức hợp lý; xây dựng được mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương, không để trùng lắp gây nhàm chán.
“Phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế thời đại trong quá trình hội nhập quốc tế”, Tiến sĩ Phạm S nhấn mạnh.