(Lâm Đồng Online)
Xưa nay, làng trà ướp hương Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) với hàng chục cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất trà ướp hương nức tiếng vùng đất B’Lao. Để thích ứng thị trường thay đổi, các cơ sở, doanh nghiệp (DN) cần đầu tư công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường…
Du khách thưởng thức trà B’Lao. Ảnh: K.Phúc
Nâng tầm chất lượng
Theo như chia sẻ của các vị cao niên đã kỳ công tạo dựng và cả những người trẻ đang tiếp nối đưa thương hiệu trà B’Lao ngày càng vươn xa, hầu hết các sản phẩm đều được chế biến theo cách làm trà xanh, trà đen đặc trưng của vùng đất Lâm Đồng. Như một lẽ đương nhiên, các sản phẩm trà B’Lao rất phù hợp với văn hóa uống trà của người Á Đông. Trước đây, các sản phẩm trà được sản xuất, chế biến tại vùng đất này phần lớn đều được ướp với các hương liệu thuần tự nhiên như hoa sen, hoa sói, hoa lài, dứa, trà tiên… và các loại thảo mộc. Từ đó, các bậc lão làng của vùng đất B’Lao như cụ Đỗ Thị Ngọc Sâm, ông Vũ Xuân Vinh, ông Vũ Ngọc Hùng, bà Nguyễn Thị Huệ… đã tạo lập nên những danh trà như Đỗ Hữu, Quốc Thái, Trâm Anh, Bảo Tín, Thiên Thành, Ngọc Trang, Thiên Hương, Làn Hương, Hoa Sen và Hiệp Thanh… gắn liền với thương hiệu trà B’Lao. Đến nay, các danh trà đang được con cháu của họ tiếp quản duy trì và phát triển, song những năm gần đây, trước nguy cơ các loại hương liệu ướp trà tự nhiên ngày càng mai một, buộc các cơ sở, DN sản xuất trà hương phải có những thay đổi để tiếp tục phát triển. Theo ông Trần Đại Bình - Giám đốc Công ty trà Thiên Thành, Chủ nhiệm CLB trà B’Lao, thương hiệu trà B’Lao đã giúp các cơ sở, DN định hướng rõ hơn thương hiệu mà cha ông đã dày công xây dựng bao lâu nay. “Trước đây, nhu cầu của người tiêu dùng chưa đặt nặng vấn đề chất lượng và mẫu mã, nên hầu hết các cơ sở, DN đều chưa chú trọng đầu tư máy móc. Nhưng hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao đòi DN phải đầu tư máy móc, công nghệ từ khâu chế biến, đến đóng gói sản phẩm với chi phí hàng tỷ đồng. Đặc biệt, đối với các chất phụ gia ướp trà được chúng tôi chú trọng hàng đầu về nguồn gốc và liều lượng sử dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối. Cùng với đó, hệ thống máy móc đóng gói đã được chúng tôi thay mới hoàn toàn để tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp. Ngoài ra, Công ty thường xuyên tập huấn cho công nhân về quy trình sản xuất, thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm sau chế biến ngày càng được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường” - ông Trần Đại Bình cho hay.
Tương tự, trước những khó khăn khi vùng nguyên liệu đang ngày càng giảm, các cơ sở, DN đã chú trọng xây dựng cho mình những vùng nguyên liệu đầu vào. Bà Vũ Ngọc Trâm Anh - chủ danh trà Trâm Anh, chia sẻ: “Hiện tại, sản phẩm trà của chúng tôi, chủ yếu phục vụ nhu cầu bán lẻ ở thị trường trong nước. Vì vậy, chất lượng sản phẩm được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Cùng với việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc, chúng tôi còn chú trọng xây dựng nguồn nguyên liệu sạch để nâng tầm chất lượng sản phẩm. Trâm Anh đã hợp tác với hàng chục hộ dân trồng chè, nên nguồn nguyên liệu luôn được đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng đầu vào. Nhờ vậy, sản phẩm trà của chúng tôi luôn được người tiêu dùng cả nước tin tưởng lựa chọn”.
Các cơ sở, DN sản xuất trà ướp hương chú trọng công tác kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Ảnh: K.Phúc
Đa dạng hóa sản phẩm
Nếu như trước đây, các cơ sở, DN sản xuất trà ướp hương chỉ dừng lại ở 5 - 7 sản phẩm chủ đạo, thì đến nay con số đó đã tăng gấp nhiều lần. Điều đó, cho thấy sản phẩm trà ướp hương B’Lao ngày càng được đa dạng hóa, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thưởng thức trà của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Đỗ Hoàng Sơn - Chủ DN trà Ngọc Trang, chính việc chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng đã giúp Ngọc Trang nâng cao năng suất, sản lượng chế biến trà. Hiện nay, mỗi năm Ngọc Trang xuất xưởng khoảng 600 - 700 tấn trà ướp hương cho thị trường TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và xuất khẩu qua Campuchia, Lào. “Sản phẩm của chúng tôi rất đa dạng, từ cấp cao đến bình dân như trà sâm dứa, hoa cúc, lài, sói, túi lọc, móc câu, trà xanh và các loại trà thảo mộc. Bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng được chúng tôi đóng gói nhiều loại từ nhỏ (40 g) đến lớn (1 kg/gói) để đảm bảo tốt nhất cho nhu cầu sử dụng của khách hàng” - ông Sơn chia sẻ.
Tương tự, hiện nay, Công ty trà Thiên Thành đang sản xuất hơn 20 sản phẩm trà ướp hương, với 6 chủng loại chủ đạo (sâm, dứa, sen, lài, sói và thảo mộc). Ông Trần Đại Bình, chủ DN trà Thiên Thành, cho hay: “Bên cạnh sản phẩm trà ướp hương, chúng tôi còn chế biến trà Olong, đặc biệt là trà xanh (viên) để cung cấp cho các bạn hàng sản xuất trà sữa trên khắp cả nước và một số thị trường nước ngoài như các nước Trung Đông, Mỹ và Canada. Nhiều sản phẩm bổ dưỡng, làm đẹp như châu lam dứa, sâm dứa, sâm bí đao và tinh trà cũng được chúng tôi sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng khắp cả nước”.
Bên cạnh đa dạng hóa các sản phẩm, các cơ sở, DN sản xuất trà ướp hương còn chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cùng với hình thức giới thiệu sản phẩm truyền thống thông qua hội chợ và xây dựng các văn phòng, cửa hàng... các doanh nghiệp còn giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội facebook, zalo và Website... Với những hướng đi mới đang được các cơ sở, DN lựa chọn, tin rằng trà ướp hương B’Lao sẽ còn bay cao và ngày càng vươn rộng ra thị trường thế giới.