Thực tế, cây mắc ca ở Đam Rông không phải là cây trồng mới, nhưng hướng phát triển mắc ca và coi mắc ca như một cây công nghiệp lâu năm được trồng quy mô lớn đã được đặt ra khoảng 2 năm trở lại đây. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ở tiểu vùng Phi Liêng, Đạ K’Nàng, ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì còn phát triển thêm mắc ca, trồng thuần hoặc trồng xen với diện tích khoảng 1.000 ha.
Anh Phan Văn Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca cho bà con DTTS
Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, diện tích mắc ca trên địa bàn toàn huyện khoảng 600 ha, riêng khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng chiếm 550 ha, trong đó có khoảng 30 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 45 tấn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Đam Rông đã trồng mới hơn 110 ha.
Ông Nguyễn Văn Sáng - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Trung tâm sẽ tiến hành hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân với khoảng 50 ha. Loại cây lâm nghiệp này hiện nay được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao, vào giai đoạn kinh doanh từ năm thứ 7 có thể cho giá trị khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha. Hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành 3 cơ sở thu mua và chế biến hạt mắc ca nhưng mới chỉ dừng lại ở sản phẩm sấy khô đóng gói.
“Cây mắc ca cũng phù hợp phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi nó không đòi hỏi nhiều kỹ thuật mà chất lượng hạt vẫn đạt yêu cầu, dễ chăm sóc, phù hợp với trình độ canh tác của bà con” - ông Sáng cho biết thêm.
Là một trong những người đầu tiên đưa cây mắc ca về bén rễ tại thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng, ông Nguyễn Văn Lương nay mạnh dạn thay thế diện tích cà phê già cỗi, đưa vào trồng thuần toàn bộ 5 ha mắc ca. Với kinh nghiệm gần 10 năm, cộng với việc tìm tòi, thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, ông Lương cho rằng, đây là loại cây cho giá trị cao gấp nhiều lần các loại cây công nghiệp khác. Trong khi đó, quá trình trồng, chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư không nhiều, thu hoạch cũng không tốn nhiều nhân công.
Tương tự, anh Phan Văn Hội (thôn Trung Tâm, xã Phi Liêng) hiện cũng đang trồng 4 ha, có 1,5 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Theo anh Hội, lợi thế của cây mắc ca ở Đam Rông là có thể cho thu hoạch 1 năm 2 vụ, năng suất đạt từ 15 - 20 kg/cây. Cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển nhanh và chất lượng cũng đạt rất cao. Ngoài trồng, anh Hội còn có cơ sở thu mua và chế biến mắc ca. Tuy nhiên, cơ sở chế biến hiện nay vẫn đang sử dụng phương pháp thủ công, dẫn đến việc sản phẩm đưa ra thị trường tuy chất lượng được đánh giá khá cao, hạt to đều nhưng vẫn còn thiếu sự bắt mắt. Ước tính năm nay, anh Hội bán ra thị trường 5 tấn hạt tươi và khoảng 3 tấn sản phẩm đã qua chế biến tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, sản lượng mắc ca tại khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng sẽ tăng lên đáng kể. Việc nắm bắt, tìm hiểu thị trường giúp anh Hội hiểu được những giai đoạn thăng trầm, khó khăn mà cây mắc ca tại các địa phương khác ở Lâm Đồng mắc phải như Lâm Hà, Đức Trọng… Nhưng anh Hội cũng xác định, đây là bài toán mà chỉ cá nhân anh rất khó để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, việc phát triển mắc ca trên địa bàn đang có những tín hiệu hết sức lạc quan. Vì vậy, đẩy mạnh đưa cây mắc ca vào trồng xen cà phê sẽ mở ra hướng phát triển theo hướng bền vững, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường. Ngoài việc mở rộng diện tích thì trong tương lai còn có thể đa dạng các sản phẩm chế biến từ hạt và nhân mắc ca như sữa, tinh dầu, mỹ phẩm… để tăng giá trị sản phẩm mắc ca. Khó khăn nhất hiện nay được xác định là việc tìm thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, từ đó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Trong tương lai, phải gắn phát triển nông nghiệp với chế biến các mặt hàng nông sản, mở rộng liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông sản, xây dựng vùng sản xuất tập trung, tiến đến xây dựng được thương hiệu cho cây mắc ca.