(Lâm Đồng Online) Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu, thời gian qua, Đam Rông đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Chuối Laba Đạ K’Nàng đã khẳng định thương hiệu. Ảnh: Văn Việt
Xây dựng vùng chuyên canh
Trong xu thế chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng; thì xây dựng thương hiệu cho nông sản là yếu tố sống còn đối với phát triển nông nghiệp. Là một trong những huyện thuần nông, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện đã rà soát thực trạng sản phẩm hiện có của địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế. Trong 100 sản phẩm đặc sản của toàn tỉnh thì Đam Rông đóng góp các sản phẩm nổi tiếng như: chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê, mắc ca, trầm hương, trà dây Đam Rông.
Cùng với các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân; Đam Rông đã chú trọng xây dựng những vùng chuyên canh, bước đầu hình thành nên những thương hiệu. Ở xã Đạ Rsal, trong tổng số 130 ha cây ăn quả trồng xen cà phê của bà con nông dân có gần 70 ha sầu riêng. Xã đã có kế hoạch chú trọng phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng. Việc thành lập HTX chuyên canh sầu riêng cũng đã được triển khai, qua đó từng bước tạo dựng được thương hiệu sầu riêng của huyện. Đã có nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn với sản phẩm là rau quả, trái cây… có năng suất, chất lượng cao và đồng đều, được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Đam Rông thực hiện khảo nghiệm một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để xây dựng các mô hình, vùng chuyên canh như chuối Laba Đạ K’Nàng, cà phê Liêng Srônh, nuôi các loài đặc sản (nhím, heo rừng) ở Đạ Tông, Đạ Long, cá lăng ở Đạ M’rông…
Từ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Đam Rông đã xây dựng được thương hiệu riêng và mang giá trị cao. Các sản phẩm được bảo hộ, giúp người sản xuất, kinh doanh có đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro về biến động giá cả, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác của nông hộ để phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương được chính quyền, các cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là sản phẩm chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản và hàng tuần xuất đi 20 tấn. Đối với một huyện nghèo như Đam Rông, mô hình trồng chuối hướng đến xuất khẩu đang thực sự mở ra một hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho bà con nơi đây. Hiện nay HTX đã phát triển vùng sản xuất lên đến trên 150 ha. Bên cạnh việc đầu tư thiết bị máy móc hiện đại vào khâu sơ chế sau thu hoạch (máy dấm chuối, máy sấy, kho lạnh), HTX đã ứng dụng công nghệ hiện đại gắn hệ thống con chíp điện tử theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển, đảm bảo sản phẩm chuối đồng đều, chất lượng cao theo hướng VietGAP, hướng tới GlobalGAP. Với đầu ra ổn định, khách hàng của HTX là 2 công ty lớn của Nhật bao tiêu 90% sản lượng chuối (tương đương 200 ha). Nhận thấy giống chuối quý này phù hợp với chất đất tại Đạ K’Nàng, tận dụng diện tích đất sình, đất cà phê già cỗi, đã có 51% người dân trong xã đồng ý chuyển đổi 100% quỹ đất qua trồng chuối, 20% người dân đồng ý chuyển 50% quỹ đất. Chuỗi liên kết không ngừng được kết nối chặt chẽ, vùng sản xuất tiếp tục mở rộng, thương hiệu Laba Banana Đạ K’Nàng đang được xây dựng khá vững chắc, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Thành công của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng cho thấy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực của huyện có ý nghĩa rất lớn trong khẳng định chất lượng và nâng tầm giá trị. Khi sản phẩm nông sản được xây dựng thương hiệu, giá trị hàng hóa thường cao gấp 2 đến 3 lần so với sản phẩm chưa có thương hiệu; đồng thời tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
Tích cực hỗ trợ cho nông dân xây dựng thương hiệu
Để có những thương hiệu nông sản, Đam Rông đã tích cực tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm đặc sản theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng và liên kết tạo mạng lưới phân phối chặt chẽ, hiệu quả và nghiêm ngặt, hướng đến những thị trường tiềm năng là các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị trên toàn quốc và xuất khẩu... Huyện luôn quan tâm đẩy mạnh tập huấn cho các đối tượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản và đầu tư nghiên cứu, dự báo thị trường nhằm tìm đầu ra hiệu quả.
Hàng năm, Đam Rông đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quản lý thương hiệu, nhãn mác, bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, quảng bá... hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng, để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của sản phẩm khi được gắn với nhãn hiệu, khi có thương hiệu mới khẳng định vị thế trên thị trường. Quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cho nông dân, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng kỹ thuật mới, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức vay vốn ưu đãi. Huyện đã thực hiện hỗ trợ các HTX, các tổ hợp tác sản xuất làm đúng quy trình kỹ thuật ngay từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch; hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận. Khuyến khích nông dân liên kết thành các chuỗi sản xuất đảm bảo tính đồng đều về chất lượng, mẫu mã, bám sát các tiêu chuẩn yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nếu nhắc đến Đạ Huoai người ta nghĩ đến sầu riêng, Cát Tiên - lúa gạo, Đạ Tẻh - nếp quýt, Bảo Lộc - tơ lụa, chè, Di Linh - cà phê, Đức Trọng - rau, nấm…; thì mong muốn trong thời gian tới nhắc đến Đam Rông sẽ là chuối Laba, là trà dây, là sầu riêng… Để làm được điều đó, ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đam Rông sẽ đẩy mạnh sản xuất, chế biến tập trung trong thời gian tới để tiếp tục phát triển một số mặt hàng nông sản đặc trưng và có giá trị cao; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và vào cuộc cùng với nông dân hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu. Tiếp tục thay đổi nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp về việc xây dựng thương hiệu đối với nâng cao giá trị nông sản. Khuyến khích người dân sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, liên kết với nhau, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao, nâng cao giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP. Từ đó sẽ tạo bước đi vững chắc cho sản phẩm nông nghiệp của Đam Rông.