(Lâm Đồng Online) Giữa vùng sâu xã Tân Thượng, Di Linh, một nông dân đã tiên phong thay đổi cơ cấu cây trồng, bằng cách trồng măng tây để “lấy ngắn nuôi dài”. Và từ thành công này nhiều nông dân trong vùng đã liên kết trồng măng tây cung cấp cho doanh nghiệp.
Anh K’Ly trong vườn măng tây
Đó là anh K’Ly, Thôn 1, xã Tân Thượng, huyện Di Linh đã bỏ công học hỏi nông hộ khác quyết tâm cải tạo đất vườn, thay cà phê đã khá cỗi bằng những loại cây hiệu quả hơn. Đi tham quan các nhà vườn, hỏi cán bộ nông nghiệp, tìm hiểu nhiều luồng thông tin khác nhau, anh quyết định thay cà phê bằng cây mít cao sản, sầu riêng và bơ.
Anh K’Ly thuê người trục bỏ gốc cà phê, tìm mua cây giống mít cao sản, sầu riêng và bơ trồng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Nhưng đây là 3 loại cây ăn trái dài ngày, không thể cho thu hoạch trong một thời gian ngắn. Vậy là anh K’Ly tiếp tục tìm tòi để làm sao có nguồn thu trong khi chờ mít, sầu riêng trưởng thành. Do đó, anh tìm đến cây măng tây, một loại cây trồng còn rất lạ lẫm với người K’Ho. Theo hướng dẫn, anh mua hạt măng tây, tự gieo trong ly nhỏ, sau 2 tháng, cây măng giống lên được chừng 30-35 cm là anh đưa ra trồng ngoài vườn. Đất được lên luống, bón phân hữu cơ, xử lý rất kỹ vì măng tây ưa chân đất mềm, giàu dinh dưỡng. Anh K’Ly cho biết: “Kinh nghiệm ươm hạt măng tây không khó nhưng cần chú ý tới độ ẩm. Khi ươm phải dùng đất sạch, tưới đầy đủ, để trong bóng mát. Nếu để nắng tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm, tôi làm đúng hướng dẫn nên tỷ lệ nảy mầm rất cao”.
Đưa măng ra vườn, chăm sóc, bón xới, sau 4 tháng cây nhú lên những mầm măng đầu tiên. Anh K’Ly cho biết, cây măng nảy mầm rất nhanh, phải hái hàng ngày để đảm bảo độ non, ngọt và dinh dưỡng trong mầm măng. Hiện mỗi ngày anh thu được khoảng 5 kí, giá bán 70 ngàn đồng/kí. Và, muốn măng lên đều, bền cây phải chú ý tới đặc điểm của măng. Măng ra xung quanh gốc cây mẹ nên phải giữ gốc thông thoáng, khi nào cây mẹ có dấu hiệu yếu đi cần tìm mầm mới khỏe, to để thay thế. Sau 6 tháng cần cắt sát gốc để “trẻ hóa” vườn, măng lứa sau sẽ phát triển tốt hơn. Trồng măng cho thu nhập đều đặn hàng ngày, chi phí đầu tư không cao vì hạt giống rẻ, cây không cần chăm sóc quá nhiều, rất hiếm sâu bệnh, chỉ cần nguồn nước sạch và giữ vườn thông thoáng.
Được biết, trên 20 hộ dân thuộc hai xã Tân Thượng và Tân Lâm đã liên kết cùng anh K’Ly, ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm măng tây với một doanh nghiệp nông sản.
Công ty đảm bảo đầu ra, các nông hộ đảm bảo sản lượng và chất lượng măng. Hiện đã có trên 3 ha của nông dân hai xã tham gia liên kết với doanh nghiệp. Hiện anh K’Ly đang tiếp tục mở rộng diện tích măng tây trên khoảng đất trống giữa những cây mít, sầu riêng còn đang trong thời kỳ kiến thiết. Anh Lương Khắc Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thượng đánh giá, anh K’Ly là một nông hộ rất tiến bộ, sẵn sàng áp dụng cái mới. Mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng trồng cây ăn trái xen măng tây theo hướng lấy ngắn nuôi dài của anh K’Ly đã được nhiều nông hộ học hỏi và đã góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu cây măng tây, giúp nông dân địa phương đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập trên vùng đất xưa nay chuyên canh cây cà phê.