11/10/2020 8:13:00 AM
.

Bước chuyển mình trong sản xuất


(Lâm Đồng Online) Nhằm nâng cao giá trị diện tích đất canh tác, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, những năm gần đây, một số hộ gia đình ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ vậy, chất lượng nền nông nghiệp ở địa phương có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới tại xã vùng sâu, vùng xa.

Người dân xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà tiếp cận hơn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo mức thu nhập ổn định cho gia đình và địa phương

Tân Thanh trước nay được biết đến là một xã nghèo, thuần nông của huyện Lâm Hà. So với mặt bằng chung của toàn huyện, đời sống và nhu cầu phát triển kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60% dân số. Do vậy, muốn nâng cao thu nhập cho bà con, địa phương cần phải bắt đầu thay đổi từ nông nghiệp.

Theo đó, địa phương đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đổi mới hình thức tổ chức, phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản được chú trọng hơn. Qua đó, diện tích vùng cà phê thâm canh tăng năng suất, chất lượng hiệu quả cao được mở rộng từ gần 4,7 ha năm 2015 tăng lên gần 5 ha năm 2019.

Bên cạnh cà phê là cây chủ lực, để phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương, xã đã có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng cao vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả, từng bước tái canh, cải tạo giống cà phê và đưa các giống mới có năng suất như dâu tằm, cây ăn quả, rau, hoa các loại vào canh tác.

Nhờ những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân Tân Thanh ngày một nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 58,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,77%.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Nguyễn Hải Quân: Sau khi xác định được những thế mạnh của địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị, xã Tân Thanh đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Các loại cây trồng chính như cà phê, dâu tằm, rau, hoa công nghệ cao được sử dụng hệ thống tưới thông minh, nhỏ giọt và ứng dụng canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng cao trên địa bàn toàn xã đạt khoảng 3.200 ha, chiếm 50% diện tích đất canh tác, tăng 2.000 ha so với cuối năm 2015. Với việc áp dụng hiệu quả, mô hình sản xuất công nghệ cao đạt gấp 3 lần so với các loại cây trồng cùng loại, cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha.

Không khó để nhận ra, những diện tích nhà kính dần xuất hiện nhiều hơn ở vùng đất Tân Thanh nghèo khó. Là một trong số những người dân đang áp dụng thành công khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn giống 1,1 ha được trồng trong nhà kính của gia đình anh Nguyễn Thế Báu (40 tuổi, tại Thôn 6) được người dân biết đến với mức thu nhập ổn định.

Anh Báu kể, khoảng thời gian trước, anh thấy người em ở Đà Lạt trồng hoa trong nhà kính cho thu nhập cao nên học hỏi chuyển đổi. Năm 2016, anh và một số người bạn hùn vốn làm hệ thống nhà kính và ươm giống các loại hoa tại huyện Di Linh. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, ngay sau đó anh trở về xã Tân Thanh để mở rộng thêm diện tích.

“Vốn đầu tư ban đầu nhiều, chủ yếu là cho nhà kính, hệ thống tưới tự động. Đầu tư vào ươm giống sẽ ổn định hơn rất nhiều so với trồng bông. Còn về giống ươm, ban đầu tôi sẽ cấy mô rồi tự mình nhân ra. Trồng trong nhà kính, giống ít nhiễm sâu bệnh, đảm bảo được chất lượng tốt hơn và giá cả sẽ chênh lệch rất nhiều so với trồng cà phê hoặc các loại cây trồng ngoài trời. Diện tích 1,1 ha đa phần tôi dùng để trồng các giống hoa như cúc đại đóa, kim cương...” - anh Báu nói.

Đến thời điểm hiện tại, trung bình 1 tuần sẽ thu một lần và cho thu hơn 1 triệu cây/tháng. Phần lớn hàng của anh được lái buôn ở Đà Lạt, các huyện lân cận tới hỏi mua. Ngoài ra, đầu ra chủ yếu là ở Đắk Lắk, Đắk Nông đặt hàng từ trước. Anh Báu cho hay: “Hơn hẳn với trồng cà phê, thu nhập từ 1 sào giống, trừ hết chi phí, tôi thu về khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng”.

Nói về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới tại địa phương, ông Quân cho biết thêm: Ðể đạt được các mục tiêu nêu trên, thời gian tới xã tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh, trọng tâm vẫn là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn sản xuất với chuỗi liên kết và hợp đồng bao tiêu. Khó khăn hiện nay của người dân là vấn đề vốn bỏ ra hoặc vay để đầu tư vào hệ thống nhà kính, nhà lưới, xã sẽ có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể chuyển đổi, từ đó nhằm tạo thu nhập ổn định cho gia đình và địa phương.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,206,039.00