3/8/2019 9:47:00 AM
.

Ðức Trọng với phong trào thanh niên khởi nghiệp


 Những năm qua, chương trình “Ðồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” trong đoàn viên thanh niên (ÐVTN) huyện Ðức Trọng đã được triển khai rộng khắp, nhằm phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế. 
 
Thời gian qua, nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều ĐVTN địa phương. (Trong ảnh: Các thành viên tổ thêu tay của ĐVTN xã Ninh Gia). Ảnh: N.M

Mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Nguyễn Trọng Hiếu, sinh năm 1990 ở thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của ĐVTN huyện Đức Trọng có thể kể đến. Hiếu cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Đà Lạt, Hiếu đã làm nhiều nghề để sinh sống nhưng vẫn không ổn định. Sau khi được bạn bè giới thiệu và trực tiếp đi thăm các mô hình kinh tế, anh nhận thấy con thỏ sinh sản nhanh, lại dễ nuôi so với nhiều vật nuôi khác, nên anh quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi thỏ. 
 
Đầu năm 2014, anh bắt tay vào làm chuồng trại với quy mô hơn 150 m2, do tận dụng nhà trồng nấm trước đây của gia đình nên chi phí đầu tư cả chuồng và giống ban đầu chỉ tốn khoảng 20 triệu đồng. Mới đầu, anh mua 20 con thỏ cái và 2 thỏ đực giống New Zealand, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên lứa thỏ đầu tiên chậm lớn, sinh sản không đều, thỏ hay bị mắc bệnh và chết nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà anh nản lòng; để tháo gỡ khó khăn, anh chủ động tìm hiểu trên các trang mạng, sách báo và đi tham quan các mô hình khác để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, số lượng thỏ của anh đã tăng lên 2.000 con với 2 loại giống, gồm thỏ trắng New Zealand và thỏ Tây Tạng. Mỗi tháng, Hiếu xuất bán được 130 con tương đương với khoảng 2,5 tạ thỏ thương phẩm cho ba đơn vị thu mua ở thị trấn Liên Nghĩa với giá từ 65 đến 70 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, anh còn cung cấp thỏ giống cho bà con trong và ngoài địa phương. Thỏ của gia đình anh được khách hàng đánh giá có chất lượng đảm bảo nên được nhiều người trên địa bàn ưa chuộng. Bởi khi xuất bán, anh luôn chọn những con thỏ khỏe mạnh, không bệnh tật và đạt tiêu chuẩn từ 2,3 - 2,5 kg. Các đơn vị thu mua đến tận nhà để lấy nên giá thành và đầu ra luôn ổn định.
 
 Hiếu còn theo dõi và quản lý giống thỏ bằng phần mềm Excel, trên mỗi lồng nuôi thỏ đều được đánh số và nhập vào phần mềm quản lý. Nhờ vậy sẽ theo dõi được ngày tách đàn, ngày tiêm vắc xin cũng như ngày sinh sản của thỏ mà không cần phải ghi chép bằng tay. Sau hơn 5 năm thực hiện mô hình nuôi thỏ, Nguyễn Trọng Hiếu nhận thấy đây là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Nói về mô hình nuôi thỏ của anh Hiếu, anh Huỳnh Nguyễn Nhật Anh - Bí thư Đoàn xã Hiệp Thạnh cho biết: “Hiếu là một trong những ĐVTN chịu khó mày mò, tìm tòi và sáng tạo của địa phương. Đoàn xã Hiệp Thạnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho những thanh niên như vậy. Thời gian tới, chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này cho các đoàn viên khác học hỏi. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong khởi nghiệp của thanh niên hiện nay là nguồn vốn và đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của các cấp, ngành để thanh niên xã nhà tiếp tục khởi nghiệp, lập nghiệp trên quê hương mình”.
 
Ngoài mô hình nuôi thỏ của Hiếu, nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu của ĐVTN huyện Đức Trọng có thể kể ra như mô hình trồng nấm sạch của anh Nguyễn Duy Tân và anh Trần Ngọc Anh; mô hình chăn nuôi bò sữa của đoàn viên Huỳnh Tấn Dũng, mô hình nuôi heo trang trại của Phạm Văn Đức...
 
Theo Ban Thường vụ Huyện Đoàn Đức Trọng, những năm qua, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của tỉnh và huyện, Huyện Đoàn Đức Trọng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện tới các Đoàn xã, thị trấn tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn thanh niên xây dựng phương án, đề án, dự án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại các cơ sở; phối hợp với các ban, ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên. Mặt khác, tổ chức cho các đoàn viên đi tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp các thanh niên có vốn lập thân, lập nghiệp. 
 
Hiện nay, số dư nợ ủy thác qua tổ chức Đoàn thanh niên là hơn 27 tỷ đồng cho 1.395 đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, nhiều thanh niên đã có công ăn việc làm ổn định trên nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, thành lập tổ hợp tác rau sạch...
 
Nổi bật, trong năm 2018, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập mới được 2 tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế tại xã Phú Hội và xã Ninh Loan, nâng tổng số tổ hợp tác lên 6 tổ. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều thanh niên đã vươn lên vượt khó, làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đức Trọng cho biết thêm: “Hằng năm, Huyện Đoàn luôn kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tấm gương điển hình trong phong trào khởi nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn vốn nhằm tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho các thanh niên; cũng như khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận những ưu đãi và các nguồn vốn để phát triển kinh tế”.
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,249,569.00