3/5/2019 9:57:00 AM
.

Ðức Trọng đầu tư công nghệ IOT vào sản xuất


 Từ năm 2004, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Ðức Trọng và từng bước nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội. Và mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðức Trọng đã triển khai mô hình trình diễn công nghệ Internet vạn vật (IOT) vào quản lý sản xuất, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.

Từ khi áp dụng công nghệ IOT vào sản xuất, anh Nguyễn Như Thủy không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà còn “nhàn” hơn hẳn! Ảnh: T.Vũ


Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, cơ cấu cây trồng chính của huyện là cà phê, dâu tằm, rau hoa các loại. Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá mạnh. Các hình thức sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất, tạo bước đột phát trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện là 8.328 ha, trong đó có hơn 232 ha nhà kính, 136 ha nhà lưới và gần 7.960 ha tưới tự động ngoài trời. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hình thức mới chưa được áp dụng hoặc áp dụng còn rất ít như sản xuất trên giá thể, sản xuất thủy canh, đặc biệt là công nghệ IOT - Internet vạn vật vào quản lý sản xuất nông nghiệp. Đây là hình thức sản xuất khá mới mẻ với đa số hộ nông dân trên địa bàn huyện” - đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng cho biết.
 
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Vai trò của công nghệ thông tin trong nông nghiệp đang từng bước trở nên quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện ưu thế vượt trội, đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững. 
 
Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới nước và châm phân tự động sẽ giải phóng sức lao động hàng ngày liên quan đến việc tưới nước và pha phân tưới, đồng thời đảm bảo việc sử dụng phân bón một cách hợp lý. Khi ấy, người nông dân chỉ cần cầm chiếc điện thoại thông minh là có thể kiểm soát được mọi lúc, mọi nơi.
 
Thông qua các thông số môi trường như độ ẩm đất, nhiệt độ đất, độ ẩm nhà kính, độ EC, pH của dung dịch phân bón hòa tan, được đo lường bởi hệ thống cảm biến của thiết bị sẽ tính toán theo thời gian thực hiện và đưa ra các khuyến nghị về lịch tưới tối ưu thể hiện qua điện thoại thông minh của người sử dụng ở bất cứ vị trí nào mà không cần có mặt trực tiếp trên đồng ruộng, đồng thời có thể ghi chép nhật ký sản xuất.
 
Xuất phát từ những ưu điểm trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng đã triển khai mô hình trình diễn công nghệ Internet vạn vật vào quản lý sản xuất trên địa bàn huyện. Cụ thể, Phòng đã đầu tư 2 mô hình cho hai hộ nông dân ở thôn Kim Phát, xã Bình Thạnh là hộ ông Nguyễn Như Thủy trên diện tích 0,55 ha và hộ ông Bùi Đức Thân trên diện tích 0,5 ha. Tổng giá trị đầu tư mỗi mô hình IOT trong sản xuất nông nghiệp hơn 114 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ là 57 triệu đồng, số tiền còn lại các hộ dân tự đối ứng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Thủy vui mừng cho biết: “Hiện, tôi đang đầu tư trồng ớt ngọt và từ khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện chọn để triển khai trình diễn áp dụng công nghệ IOT vào sản xuất nông nghiệp, công việc làm nông của tôi nhàn hẳn và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Chi phí sản xuất giảm thông qua việc tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, giảm nhân công, giảm lượng phân bón bị rửa trôi, đo chính xác EC, pH của dung dịch phân bón hòa tan. Ngoài ra, khi có việc bận, không có mặt ở trang trại, tôi vẫn theo dõi được tình hình cây trồng, điều khiển các thiết bị tưới và bộ châm phân thông qua ứng dụng điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh vào bất cứ thời điểm nào. Chắc chắn, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư áp dụng công nghệ này vào diện tích nhà kính còn lại”.
 
Có thể nói, việc áp dụng công nghệ IOT vào quản lý sản xuất đã thật sự mang lại hiệu quả cao, giúp người nông dân giảm nhiều khoản chi phí đầu tư, tiết kiệm phân bón, nước tưới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất. Mặt khác, việc triển khai, xây dựng mô hình IOT trong sản xuất nông nghiệp còn giúp bà con nông dân làm quen và tiếp cận với công nghệ thông tin, để việc ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thực sự trở thành xu hướng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đồng thời, giúp phát triển nông nghiệp thông minh sạch, an toàn, bền vững, góp phần xây dựng và củng cố thương hiệu cho rau, hoa Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng
 
Theo thống kê của UBND huyện Đức Trọng, năm 2018, huyện bố trí 35.484 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tới thời điểm tháng 12/2018, trên địa bàn huyện này có hơn 8 ngàn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 961,62 ha so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, diện tích nhà kính 232,06 ha (trồng rau 158,54 ha, trồng hoa 20,69 ha, gieo ươm 46,33 ha và cây khác 6,5 ha).  Tưới tự động chủ yếu là phun mưa ngoài trời, còn tưới nhỏ giọt chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có khoảng 15 ha là tưới nhỏ giọt ngoài trời của Công ty Vineco. 
 
Cũng theo thống kê, tính đến nay, tổng diện tích các loại rau, củ, quả trên địa bàn huyện Đức Trọng được cấp chứng nhận VietGAP là 405 ha cho 37 đơn vị tổ chức, cá nhân sản xuất.
NGUYÊN THI

(Báo Lâm Đồng  Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,262,871.00