3/6/2019 10:15:00 AM
.

Ðức Trọng: Chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu


 Biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của phần lớn dân cư trên địa bàn huyện Ðức Trọng. Ðể thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhưng vẫn phát huy hiệu quả kinh tế hộ.
 
Người dân Tà Năng chuyển đổi lúa 1 vụ sang trồng rau màu cho hiệu quả cao. Ảnh: H.Yên


Những diễn biến bất thường, cực đoan của thời tiết khiến các địa phương ở Đức Trọng đối diện với nhiều thách thức, buộc phải chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với điều kiện hiện tại, xa hơn là trong tương lai.

Hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp thiếu nước trong mùa khô này đã được bà con dân tộc thiểu số ở Tà Năng (Đức Trọng) chuyển đổi trồng luân canh cây rau màu thay vì trồng lúa nước như trước đây. Ông Hoàng Văn Giang ở thôn Láng Mít cho biết, hai năm về trước, gia đình ông vẫn còn là một hộ thuộc diện nghèo. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng do chính quyền địa phương phát động, nhằm hạn chế đất để trống trong mùa khô hạn nên 1,2 ha diện tích lúa nước một vụ cho năng suất thấp đã được gia đình chuyển sang trồng củ cải trắng cung ứng cho Công ty Thuận Đoàn ở Liên Nghĩa, Đức Trọng. Chỉ sau một năm chuyển đổi và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống kinh tế gia đình của ông Giang đã vươn lên rõ rệt.

Trong các năm vừa qua, thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/vụ (4 tháng). Ông Giang nói: “Trước, gia đình tôi làm ruộng một năm có một vụ, tình trạng thiếu đói cứ đeo bám, phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống. Từ khi chuyển diện tích này sang trồng rau, màu các loại thì nay không còn thiếu ăn mà thu nhập tăng lên cao, có tiền cho con cái đi học, mua sắm tủ lạnh, ti vi, xe máy, kinh tế đã phát triển đi lên”.

Hiện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Năng đang tạo nên một “làn sóng” thay đổi nhận thức trong tổ chức canh tác theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa. Là một trong những người vừa tiếp cận với phương thức canh tác mới này, nhưng chỉ sau 2 năm chuyển đổi 5 sào lúa nước sang trồng ớt sừng và cà tím, anh Lý Văn Nghiên, ở thôn Tà Sơn đã nhanh chóng đưa kinh tế gia đình thoát khỏi nghèo khó. Anh Nghiên chia sẻ: “Trước khi chưa chuyển sang trồng màu, đời sống gia đình mình chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê cằn cỗi và lúa nước. Mỗi khi mùa khô đến, cà phê thì không có nước tưới, ruộng lúa thì bỏ không. Thế nhưng, từ ngày chuyển đổi cây trồng, đời sống đã ổn hơn. Nếu cứ giữ cách làm cũ lạc hậu thì sẽ không bao giờ phát triển lên được. Bây giờ mình vừa tiếp tục học hỏi kỹ thuật đồng thời dự các lớp tập huấn do khuyến nông huyện tổ chức để có thể áp dụng canh tác, đời sống ngày càng phát triển đi lên”.

Mô hình trồng tiêu trên diện tích 3,5 ha của hộ gia đình anh Võ Thành Phụng ở thôn Tân Phú, xã Ninh Gia được nhiều người tham quan học hỏi. Đầu năm 2010, khi đối mặt với hạn hán khiến năng suất cà phê sụt giảm nghiêm trọng, anh Phụng đã nghĩ muốn làm giàu thì bắt buộc phải chuyển đổi giống cây trồng. Từ nguồn vốn tích góp cộng với khoản tiền vay ngân hàng, anh đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm đất, mua cây giống, trụ, từ đây hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, đặc biệt từ khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt giúp gia đình tiết kiệm được chi phí rất nhiều, đặc biệt là mùa khô hạn năm nay.

Xã Bình Thạnh là một trong những xã thuần về cây cà phê, cũng như nhiều địa phương khác tình trạng thiếu nước trên diện tích đất sản xuất cũng thường xuyên xảy ra. Ông Đỗ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã có 1.400 ha sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cà phê và dâu tằm. Để chống chọi với hạn hán, xã khuyến khích người dân trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất nhằm tăng độ che phủ, đồng thời làm cây che bóng mát cho cà phê.

Với những diện tích đất không chủ động được nguồn nước tưới, xã Bình Thạnh cũng đã quy hoạch chuyển sang làm rau màu và cây dâu tằm bằng công nghệ tưới ẩm.

Qua đó, người dân cũng đã chủ động chuyển 80 ha diện tích lúa cần nhiều nước sang trồng dâu tằm, vừa tiết kiệm nguồn nước vừa đem lại thu nhập kinh tế cao hơn gấp 7 lần.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, là công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện cũng được đẩy mạnh. Các đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp và sản xuất theo hướng bền vững tránh hủy hoại, ô nhiễm môi trường; phổ biến, tạo nhận thức cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân trong quá trình chọn tạo và áp dụng giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng và triển khai các dự án theo cơ chế phát triển sạch, thân thiện với môi trường. Các ứng dụng đã được thực hiện như: Áp dụng công nghệ sinh học xử lý và làm sạch môi trường trong chăn nuôi bằng hầm Biogas; đệm lót sinh học, áp dụng các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường; chủ động đặt hàng, khai thác, sử dụng các thành tựu công nghệ sinh học về giống cây trồng, vật nuôi mới, thích ứng và thích nghi cao với biến đổi khí hậu.

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,249,595.00