1/25/2018 10:04:00 AM
.

Ðể ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững


 Cùng với công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp là một trong ba trụ cột của nền kinh tế. Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giải quyết đồng bộ vấn đề phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất của người dân.
 
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất không thể thay thế với những vai trò đặc trưng: Cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội; cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp; tích lũy ngoại tệ thông qua xuất khẩu hàng hóa; cung cấp một phần vốn, lao động cho các ngành kinh tế khác; thị trường quan trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông nghiệp, nông thôn là cơ sở ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.  
 
Theo Bộ Tài chính: Thực tế cho thấy nông nghiệp sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong cơ cấu kinh tế, song quy mô giá trị sản xuất vẫn không ngừng tăng lên nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ có ngành nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng lên đáng kể, từ 506 nghìn đồng (năm 2006) lên 2,4 triệu đồng (năm 2016), tăng khoảng gấp 5 lần. Về vai trò xã hội, ngành đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ này giảm từ 18% (năm 2006) xuống còn 7,5% (năm 2016), trung bình mỗi năm giảm khoảng 1%, trong khi khu vực thành thị có tốc độ giảm nhẹ hơn từ 7,7% (năm 2006) xuống còn 2% (năm 2016), trung bình mỗi năm giảm 0,6%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động cả nước giảm từ 55,7% (năm 2006) xuống còn 41,9% (năm 2016) đã phần nào thể hiện vai trò ngành nông nghiệp trong việc cung cấp lực lượng lao động dồi dào cho ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ…
 
Nông nghiệp được Đảng và Nhà nước xác định là mặt trận kinh tế hàng đầu có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết xác định nông nghiệp giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giải quyết đồng bộ các vấn đề và phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Nghị quyết đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước được thể chế hóa bằng hệ thống chính sách pháp luật quan trọng để nông nghiệp thực sự phát triển phù hợp với tiềm năng. Thời gian qua, nước ta đã ban hành và thực hiện một hệ thống chính sách tương đối đồng bộ, gồm những nhóm chính sách chủ yếu như chính sách tài chính - tín dụng, đất đai, KHCN, cơ sở hạ tầng… Trong nhóm chính sách tài chính - tín dụng, các chính sách thuế tiêu biểu là miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp; áp dụng thuế suất ưu đãi đối với thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm có thời hạn cho các dự án đầu tư trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách thuế đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn theo quan điểm xuyên suốt là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư, tích tụ ruộng đất, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân… 
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN…, nước ta cần tiếp tục đổi mới, tranh thủ những cơ hội thuận lợi và vượt qua khó khăn, thách thức để đưa ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển nhanh, bền vững. Theo Bộ Tài chính: Ngành nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa cần thể hiện rõ một số đặc điểm như: Ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa KHCN, sử dụng máy móc hiện đại, tận dụng những nghiên cứu quốc tế về phương thức sản xuất để triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; tập trung đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản thông qua giá trị thương hiệu; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, củng cố vai trò đảm bảo duy trì nguồn tài nguyên (đất, nước…) và bảo vệ môi trường.

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,454,942.00