Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng, gồm 4 mức độ và mức độ 4 là cao nhất. DVCTT trong lĩnh vực thuế cụ thể là dịch vụ thuế điện tử, và ngành Thuế Lâm Ðồng đang đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 4.
Ngày 22/12/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 8668/UBND-TC chỉ đạo về việc tuyên truyền thực hiện thủ tục hành chính về thuế mức độ 4; đồng thời, giao Cục Thuế Lâm Đồng xây dựng nội dung tuyên truyền đến người nộp thuế sử dụng DVCTT mức độ 4 trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế điện tử.
Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, ngày 13/6/2011 của Chính phủ: DVCTT mức độ 4 - mức độ cao nhất, cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ tải về các mẫu văn bản, khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu; thực hiện các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến trên môi trường mạng. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp, hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Việc cung cấp DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức... có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày trên môi trường mạng, tại bất cứ đâu có kết nối internet.
Ngày 9/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 846/QĐ-TTg 2017 công bố Danh mục DVCTT mức độ 3 và 4 tại bộ ngành địa phương. Theo đó, Danh mục gồm 707 thủ tục hành chính triển khai DVCTT; gồm có 354 thủ tục hành chính triển khai DVCTT ở cấp bộ, ngành và 353 thủ tục hành chính triển khai DVCTT ở cấp địa phương (cấp tỉnh 315 dịch vụ, cấp huyện 36 dịch vụ, cấp xã 2 dịch vụ). Đối với ngành Tài chính, đến hết ngày 25/4/2017, đã triển khai cung cấp 917 thủ tục DVCTT; trong đó: 254 DVCTT mức độ 1, 332 DVCTT mức độ 2, 85 DVCTT mức độ 3 và 246 DVCTT mức độ 4.
DVCTT trong lĩnh vực thuế được triển khai mở rộng là hệ thống dịch vụ thuế trên mạng như: hệ thống khai thuế công nghệ mã vạch (offline), khai thuế trực tuyến (online); cổng điện tử trao đổi thông tin về thuế với các ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử; kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để triển khai hệ thống hỗ trợ nhắn tin qua điện thoại (SMS)… Khi thực hiện DVCTT trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế tự kê khai, nộp thuế và kiểm soát được tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, đồng thời tránh được rủi ro trong kinh doanh. Cụ thể DVCTT trong lĩnh vực thuế là Dịch vụ thuế điện tử, gồm: khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo phương thức hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dịch vụ thuế điện tử là dịch vụ cho phép người nộp thuế trực tiếp gửi hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế, lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước và nhận thông báo về việc cơ quan thuế chấp nhận/không chấp nhận việc nộp hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế, nhận kết quả đã nộp thuế, giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất là Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Dịch vụ thuế điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người nộp thuế khi tham gia, góp phần giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.
Theo lộ trình triển khai của Tổng cục Thuế, ngành Thuế Lâm Đồng đã triển khai và thực hiện tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên hỗ trợ người nộp thuế sử dụng DVCTT để giải quyết thủ tục hành chính về thuế ở mức độ 3 và 4, gồm: dịch vụ khai thuế điện tử từ tháng 7/2011, dịch vụ nộp thuế điện tử từ tháng 4/2015 cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; dịch vụ hoàn thuế điện tử từ tháng 8/2017 đối với doanh nghiệp hoàn thuế hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư.
Dịch vụ thuế điện tử đã được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và tích cực tham gia, đến nay đã có trên 99% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng, 100% hồ sơ hoàn thuế dự án đầu tư và xuất khẩu đã được giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử, 95,44% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, tỷ lệ số chứng từ nộp thuế điện tử và số tiền nộp NSNN qua hình thức điện tử hàng tháng đạt gần 95%.
Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng mong nhận được sự phối hợp từ phía các doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ công điện tử do ngành thuế cung cấp để thực hiện đăng ký khai thuế điện tử ngay sau khi thành lập doanh nghiệp và thực hiện nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế điện tử đối với tất cả các khoản thuế phát sinh phải nộp vào ngân sách; Lập và gửi hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử tất cả các hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư.
Sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng, thực hiện dịch vụ thuế điện tử là chìa khóa thành công góp phần cùng ngành thuế thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, ngày càng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP đã đề ra.
(Báo Lâm Đồng Online)