2/21/2019 10:04:00 AM
.

Ðầu tàu kinh tế Ðà Lạt


 Nhìn lại kinh tế thành phố Ðà Lạt trong vòng 3 năm trở lại đây, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của thành phố đều đạt và vượt so với Nghị quyết 03 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về phát triển thành phố Ðà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Ðiều đó thể hiện rằng, Ðà Lạt luôn xứng đáng là đầu tàu kinh tế của tỉnh Lâm Ðồng. 

Phát triển du lịch chất lượng cao thu hút khách du lịch. Ảnh: Thụy Trang
 
Để thực hiện Nghị quết 03 của Tỉnh ủy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ XI đã quyết nghị 24 nhóm chỉ tiêu chính và 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố trên 5 lĩnh vực, trong đó bao gồm lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, đề ra 5 khâu đột phá và 6 nhóm công trình, dự án trọng điểm để hiện thực mục tiêu “xây dựng thành phố Đà Lạt phát triển toàn diện, bền vững, hướng đến đô thị văn minh, hiện đại”. Và theo Thành ủy Đà Lạt, sau khi đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố cho thấy, có tới 21 trong nhóm 24 chỉ tiêu đảm bảo tiến độ, dự kiến đạt và vượt kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt và Nghị quyết 03 Tỉnh ủy đề ra. Đặc biệt là những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo của Thành ủy Đà Lạt cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế của thành phố trong 3 năm qua đạt từ 9,4 - 10,1%, nếu so với chỉ tiêu mà Nghị quyết của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra từ 9 - 10,5% coi như đạt chỉ tiêu quan trọng này. Mặt khác, nền kinh tế thành phố cũng chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng thương mại, dịch vụ so với khu vực công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp với tỷ trọng tương ứng đó là: Nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm từ 14 - 14,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm từ 18 - 18,5% và thương mại - dịch vụ chiếm từ 67 - 67,5%.
 
Để duy trì mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đi đôi với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đạt được tỷ trọng của các ngành, khu vực kinh tế theo chỉ tiêu đặt ra, hầu hết các chỉ tiêu thành phần đều có sự tăng cao. Đấy là lượng khách đến tham quan du lịch Đà Lạt tăng hàng năm trên 14%, trong đó khách quốc tế chiếm từ 13 - 14% trên tổng lượng khách đến Đà Lạt và số ngày lưu trú bình quân là 2,4 ngày. Sự tăng trưởng lượng khách đến Đà Lạt với hai con số trong những năm qua xuất phát từ việc thành phố tập trung vào xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ và thương hiệu du lịch Đà Lạt; đồng thời tạo ra những sản phẩm mới và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng các loại hình du lịch, mở rộng liên kết tuor đến các điểm, nhất là xây dựng môi trường du lịch Đà Lạt “văn minh, thân thiện, an toàn”. Hoạt động thương mại trên địa bàn cũng tiếp tục phát triển mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng hàng năm từ 14,7 - 24,6%. Qua đó, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 10,8% trong vòng ba năm qua. Bên cạnh đó, thành phố còn duy trì phát triển các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như rau, hoa, len đan… với mức tăng trưởng hàng năm từ 10,3 - 44%.
 
Mặt khác, thành phố đã tiến hành tập trung phát triển ngành công  nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lợi thế, khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp có giá trị gia tăng cao phục vụ du lịch, dịch vụ. Chủ động phối hợp thực hiện thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp mới, đến nay thành phố có khoảng 926 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo ra mức tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Hoạt động xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị từ nhiều nugồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đẩy mạnh. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong 3 năm qua lên tới gần 706 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của Thành ủy Đà Lạt, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 19.517 tỷ đồng, tăng bình quân 17,8% trong mấy năm qua.
 
Có lẽ điểm nổi bật nhất và không kém phần ấn tượng trong các lĩnh vực kinh tế đó là sự phát triển ngành nông nghiệp của thành phố Đà Lạt. Trọng tâm của quá trình phát triển nền nông nghiệp thành phố là phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng an toàn, bền vững và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm được tập trung vào các cây trồng chủ lực. Do đó, đến nay thành phố hiện có 5.737 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng 1.007 ha so với đầu nhiệm kỳ và chiếm 54,6% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 11% năm và giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha đất canh tác đạt 350 triệu đồng/năm tính đến thời điểm hiện tại. Đáng nói hơn, bên cạnh phát triển nông nghiệp đem lại giá trị sản xuất không ngừng tăng cao, thành phố còn gắn sự phát triển ấy với việc hình thành các làng hoa phục vụ mục đích du lịch và củng cố chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế hợp tác… Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”…
 
Đánh giá chung của Thành ủy Đà Lạt, trong những năm qua, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng định hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng cao và đến cuối năm 2018 đạt khoảng 89 triệu đồng/năm… Với những kết quả trên đó là nền tảng để thành phố tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế mà nghị quyết của tỉnh cũng như thành phố đề ra vào cuối nhiệm kỳ 2016 - 2020.   
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,266,531.00