Nói đến B’Lao, người ta nghĩ ngay đến vùng đất danh tiếng của trà và tơ lụa. Nhưng ít ai ngờ rằng ở cao nguyên B’Lao xuất hiện vườn hoa đào với nhiều giống đào Nhật Tân danh tiếng như đào 5 cánh, đào bích, đào ghép và đào phai cánh ren... rộng gần 1,5 ha đang khoe sắc chào xuân.
![]() |
Anh Hồng hạnh phúc bên những gốc đào Nhật Tân trồng trên đất B’Lao. Ảnh: K.Phúc |
Chủ nhân của vườn đào là anh Nguyễn Tiến Hồng (ngụ tại Phường 2, TP Bảo Lộc). Tuy sống đã ở vùng đất Nam Tây Nguyên hơn 30 năm, nhưng mỗi khi nhớ về cố hương Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Hồng lại tìm mua đào Nhật Tân về chưng tết. Vì vậy, năm 2013, anh Hồng quyết định về quê chọn mua 30 gốc đào trưởng thành đem vào Bảo Lộc trồng với hy vọng “cãi” lại quy luật tự nhiên, bắt cây đào nở hoa trên cao nguyên lộng gió nhưng thất bại.
Không nản chí, anh lại lặn lội về làng Nhật Tân tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những nghệ nhân trồng đào lão luyện, liên kết với Khoa Trồng trọt, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc để hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, ghép, xử lý ra hoa cho cây đào trồng trên vùng đất B’Lao. “Nói thật, lúc mới trồng đào, không chỉ người thân mà cả bạn bè, ai cũng can ngăn vì họ cho rằng tôi đưa cây đào vào trồng ở Bảo Lộc là “chống” lại quy luật của tự nhiên. Nhưng tôi lại nghĩ khác, muốn thành công thì mình phải dám thử và dám đương đầu với thất bại” - anh Hồng chia sẻ.
Bằng ý chí, niềm đam mê, lòng tin và sự kiên trì, anh Hồng đã “buộc” đào Nhật Tân quen dần với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất B’Lao. Nhưng để đào bung nụ, nở hoa đúng dịp tết thì quả không phải là điều đơn giản. Vì thế, anh phải liên tục cất công về làng đào Nhật Tân để học hỏi bí quyết “hãm đào” nhằm “điều khiển” cho đào nở đúng dịp tết. Anh Hồng tâm sự: “Đúng theo quy luật tự nhiên, giống đào Nhật Tân trồng ở miền Bắc thì mỗi dịp tết đến, xuân về là đào lại tự rung lá và ra bông. Nhưng ở Bảo Lộc nếu để tự nhiên thì đào không thể ra bông được vì tết trong này đúng vào mùa khô. Vì thế, để đào ra bông đúng dịp tết, thì ngay từ đầu tháng 9 âm lịch hàng năm tôi phải dùng dao sắc khoanh 1 vòng xung quanh gốc. Tùy theo từng giống đào và độ sung mãn của cây, sau đó từ 30 - 55 ngày, tôi tiếp tục tuốt lá, đồng thời cắt hẳn nước để ép đào ra hoa. Suốt 7 năm nay, với cách làm này, tôi đã “cãi” được quy luật tự nhiên và cho đào Nhật Tân ra hoa trên vùng đất B’Lao đúng dịp tết”.
Theo anh Hồng, đào Nhật Tân trồng ở đất B’Lao phát triển rất tốt, hầu như quanh năm cây đều cho cành lá xanh tươi. Tuy nhiên, để đào nở hoa đồng loạt đúng dịp Tết Nguyên đán thì đòi hỏi phải áp dụng đúng kỹ thuật và cách chăm sóc đặc biệt. Hiện, vườn đào Nhật Tân của anh Hồng đang có hơn 3.000 gốc đủ các giống. Đặc biệt, trong vườn đào có 1/4 gốc anh đã ghép thành công giống đào Nhật Tân với gốc đào rừng ở Lâm Đồng. Loại đào ghép này có nhiều ưu điểm vượt trội như màu sắc đẹp, bộ rễ khỏe, cành cứng và dài... rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất B’Lao. Đây được xem là thành công mà anh Hồng tâm đắc nhất từ khi theo nghiệp trồng đào.
Ông Đặng Thanh Sơn, một người dân đến anh Hồng đặt thuê đào về chưng Tết cho biết: “Là người con Hà Nội vào Bảo Lộc lập nghiệp, 4 năm nay, cứ đến tết là tôi lại tìm đến vườn đào của anh Hồng để thuê đào về chưng tết. Tết đến, xuân về là cảm giác nhớ quê lại ùa về trong suy nghĩ của bất cứ những ai xa quê hơn bao giờ hết và tôi cũng vậy. Với một người gốc Hà Nội như tôi, thì có đào mới có tết nên hàng năm tôi luôn tìm đến vườn đào của anh Hồng để đặt thuê”.
Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, vườn đào của anh Hồng có gần 800 gốc nở hoa để tung ra thị trường. Đào của anh được xuất bán đi các chợ hoa xuân tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Dương và Đồng Nai với giá từ 500 ngàn đồng - 30 triệu đồng/cây (tùy kích cỡ và dáng, thế). Riêng tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã có khoảng 300 gốc được các doanh nghiệp và người dân đến đặt thuê với giá từ 700 ngàn - 10 triệu đồng.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)