10/10/2018 2:06:00 PM
.

Xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm


 Thực hiện theo chủ trương của Bộ Công thương, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và đang triển khai “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn”. Sở Công thương là đơn vị chủ trì thực hiện và chọn TP Bảo Lộc là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm này. 

Chợ Bảo Lộc được chọn thí điểm mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ảnh: Khánh Phúc
 
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đẩy lùi vấn nạn “thực phẩm bẩn”. Sau khi mô hình thí điểm này được xây dựng thành công sẽ tiếp tục nhân rộng ra các huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo đến năm 2030 có 50% chợ trong quy hoạch được kiểm soát an toàn thực phẩm.
 
Lâm Đồng hiện có 77 chợ truyền thống với hơn 8.155 hộ chế biến, kinh doanh các nhóm ngành thực phẩm. Trong bối cảnh hội nhập, để cạnh tranh với hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại... thì an toàn thực phẩm là vấn đề “then chốt” mà các chợ truyền thống phải thực hiện để tạo lòng tin cho người tiêu dùng - yếu tố hàng đầu để chợ truyền thống tồn tại và phát triển.
 
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức hướng dẫn, phổ biến quy định, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho thương nhân kinh doanh thực phẩm và cán bộ quản lý chợ, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho thương nhân kinh doanh tại chợ trung tâm TP Bảo Lộc. Tham gia buổi tập huấn có hơn 60 tiểu thương tại chợ TP Bảo Lộc đến dự, nghe phổ biến về các quy định an toàn thực phẩm cũng như mô hình chợ an toàn thực phẩm.

Theo quy định của Bộ Công thương, căn cứ để lựa chọn đưa và xây dựng chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, là chợ phải nằm trong quy hoạch, đang hoạt động hiệu quả, tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ có giấy phép kinh doanh, xác định được nguồn cung thực phẩm chủ yếu đang mua bán thuộc phạm vi quầy sạp của mình. Hàng hóa phải được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kinh doanh những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Theo đó, nguồn hàng thực phẩm được các hộ kinh doanh cam kết có xuất xứ rõ ràng, không bán hàng hư hỏng, độc hại.

 
Các quầy hàng đều có bảng hiệu ghi rõ thông tin hộ tiểu thương, để tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng. Các hộ tiểu thương được ban quản lý chợ tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận, bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ. 
 
Theo ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương: Với mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, thực phẩm kinh doanh tại chợ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Tới đây, chợ Bảo Lộc được chọn thí điểm sẽ triển khai chặt chẽ các quy định như: Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm kinh doanh; chứng từ đầu vào hoặc sổ sách ghi chép tình hình xuất, nhập hằng ngày, công tác lưu trữ, ghi chép phải thực hiện đúng quy định.
 
Thực phẩm kinh doanh tại chợ phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, phiếu xét nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định hiện hành; khuyến khích xét nghiệm sản phẩm định kỳ đối với các sản phẩm ăn nhanh, ăn ngay; giấy kiểm dịch thú y và kiểm dịch thực vật (nếu có) đối với thực phẩm tươi sống. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành hàng thực phẩm cung ứng cho chợ phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc bản cam kết chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định từng ngành. Đặc biệt, thực phẩm phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc từ trang trại, nông trại đến người tiêu dùng; tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người...
 
Để triển khai dự án, Sở Công thương phối hợp với UBND TP Bảo Lộc sẽ lựa chọn các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có đủ tiềm lực, năng lực, tự nguyện tham gia mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn để cung ứng trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh của các cơ sở tham gia chuỗi; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị kiểm soát chất lượng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo VietGAP, GMP/SSOP, HACCP/ISO 22000... Hỗ trợ công tác giám sát, xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
 
Vấn đề an toàn thực phẩm đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân bởi vấn nạn “thực phẩm bẩn” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, do đó xây dựng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trước hết là nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh. 
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,343,674.00