10/9/2018 10:38:00 AM
.

Xây dựng mã số cho vùng trồng cà phê Lâm Ðồng


 Ðể hướng tới sản xuất cà phê bền vững, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Lâm Ðồng đang triển khai thực hiện thí điểm Dự án cấp mã số vùng trồng cà phê trên địa bàn huyện Di Linh. 

Các điều tra viên đi điều tra thực tế từng nông hộ. Ảnh: NDong Brừm
 

Tín hiệu vui từ một dự án
 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mặc dù bà con nông dân canh tác cà phê đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhưng việc sản xuất cà phê của người dân còn có những hạn chế nhất định, tình hình vườn cây có năng suất chất lượng cao còn hạn chế; chưa xây dựng được mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cũng như chỉ dẫn địa lý... Tuy năng suất cà phê của Việt Nam hiện nay cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê của thế giới nhưng vẫn có nguy cơ mất ổn định. Bởi, số diện tích cà phê đang bị trồng xen các loại cây trồng khác chiếm tỷ lệ khá cao. Theo thống kê, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, số diện tích cây trồng khác được trồng xen với cà phê lên đến trên 100.000 ha. 
 
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Cà phê là loại cây trồng có tỷ lệ chứng nhận về chất lượng an toàn thực phẩm qua các Tổ chức chứng nhận Rainforest Alliance (RFA)... chiếm khoảng 50%; nhưng số còn lại chưa được chứng nhận, nên phần nào ảnh hưởng đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam. Hiện nay, cà phê Việt Nam gần như hoàn toàn xuất khẩu thô, bởi vì các đơn vị chế biến cà phê có nhãn mác đầy đủ như: Trung Nguyên, Vinacafe rất ít, chỉ chiếm 7%”.
 
Để giải quyết bài toán trên, đòi hỏi các ngành liên quan phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhiều lĩnh vực. Ngoài chú trọng thực hiện quy trình sản xuất thì khâu chế biến sâu, chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng phải được cải thiện nâng cao để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn.
 
Đặc biệt, khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh... và một số nước thuộc liên minh châu Âu (EU), Việt Nam cần tuân thủ theo các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Một trong các điều kiện tiên quyết chính là sản phẩm cà phê cần phải có vùng trồng riêng và được đăng kí kiểm soát bởi Cơ quan Bảo vệ thực vật Quốc gia.
 
Chương trình Dự án cấp mã số vùng trồng cà phê được triển khai thực hiện thí điểm tại huyện Di Linh như là một giải pháp nhằm khắc phục được những yếu điểm còn tồn tại của cà phê Lâm Đồng nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung, giúp xác định vùng trồng nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; đồng thời đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường phải đúng nguồn gốc, sản xuất an toàn và có chứng nhận. 
 
Hướng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng
 
Lâm Đồng là một trong các tỉnh của cả nước thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và có diện tích cà phê khá lớn (khoảng 150.000 ha), là điều kiện để Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để triển khai dự án. Sau khi bàn bạc với Bộ Nông nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn huyện Di Linh làm nơi thí điểm, bởi đây là địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh (trên 44.000 ha); điều kiện thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác của nhiều hộ dân khá tốt. Trước mắt, dự án sẽ triển khai thí điểm tại 5 xã, thị trấn (gồm Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Gung Ré, Tân Châu và thị trấn Di Linh) với gần 15.000 hộ dân có diện tích cà phê khoảng 11.540 ha. 
 
Thời gian qua, song song với việc lập bản đồ, mã hóa các vườn trồng cà phê, thiết lập các thông tin để làm cơ sở dữ liệu rồi đưa lên hệ thống Google Maps, dự án còn phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn sử dụng phần mềm cho 150 điều tra viên. Đây là phần mềm online được cài đặt ứng dụng quản lý vườn cà phê trên mạng. Tuy việc sử dụng phần mềm khá đơn giản, nhưng các điều tra viên phải sử dụng điện thoại thông minh có hệ điều hành Android mới có thể truy cập, thu thập được dữ liệu như: xác định được vị trí vùng trồng cà phê của các nông hộ cũng như điều kiện địa lý và tình hình canh tác... Chương trình dự án thành công, chẳng những triển khai cho các huyện trong tỉnh, mà còn tiếp tục nhân rộng cho các tỉnh khác trong cả nước.
 
Ông Lưu Văn Hoàng - Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu cho hay: “Việc xây dựng mã số hộ vùng trồng và đánh dấu chỉ số sản xuất cà phê bền vững của nông hộ là rất quan trọng, bởi giúp người nông dân tuân thủ sản xuất theo một qui trình nhất định vừa nâng cao ý thức trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu... Ngoài việc truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh thị trường, chương trình dự án này còn giúp cho cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương có bộ cơ sở dữ liệu để quản lý và có chiến lược, chính sách hợp lý trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê nhằm mang lại lợi ích cho người nông dân”.
 
Về xu hướng lâu dài, người dân sản xuất cà phê buộc phải minh bạch hóa tất cả thông tin về cấp mã số vùng trồng để tránh trường hợp sản xuất cà phê không đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng; tránh tình trạng sản phẩm từ nơi khác trà trộn vào vùng trồng đã được cấp mã số. 
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,349,480.00