2/25/2019 11:21:00 AM
.

Việt Nam là nền kinh tế mới nổi có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới


 Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi có mức độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Đây là thành quả của việc Việt Nam đã chuyển dịch về hội nhập theo hướng tiếp cận ở trình độ cao hơn, với việc tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
 
Tại Chương trình Tọa đàm tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là giai đoạn 10 năm (2011 - 2020), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đặc biệt, trong 10 năm trở lại, nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, đáng tự hào.
 
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Bộ Công Thương chính là thành công của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đưa ra một số bài học lớn được rút ra từ những kết quả ngành Công Thương triển khai trong những năm vừa qua, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, đó là sự thay đổi nhận thức một cách sâu sắc về quan điểm phát triển của các ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý, bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
 
Trong công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đó là việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ cấu lại các động lực phát triển trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời tạo ra các động lực tăng trưởng mới với việc tham gia của khu vực kinh tế ngoài nhà nước...
 
Về xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Đây là thành quả của việc Việt Nam đã chuyển dịch về hội nhập theo hướng tiếp cận ở trình độ cao hơn với việc tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết sâu hơn, đa dạng hơn so với các FTA trước đây.
 
“Đáng ghi nhận là Việt Nam đã thực hiện từng bước dịch chuyển từ quốc gia nỗ lực tham gia hội nhập, sang thành quốc gia dẫn dắt quá trình hội nhập với việc chủ động tham gia đàm phán với các nước khác về việc hình thành các khu vực thương mại tự do”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
 
Thương mại nội địa đã trở thành trụ cột quan trọng của phát triển ngành với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao. Đáng lưu ý là Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển thương mại điện tử với sự hỗ trợ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của hệ thống điện thoại thông minh.
 
Bên cạnh những yếu tố trên, thay đổi về tư duy, nhận thức trong quản lý, điều hành hoạt động của ngành Công Thương từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách hành chính ngành Công Thương, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước của ngành Công Thương theo hướng Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước...
 
Thường xuyên quán triệt, tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tăng cường nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp về phát triển ngành Công Thương để tạo lập được nhận thức chung và quyết tâm hành động thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của Ngành.
 
Theo thống kê, sau 10 năm là thành viên của WTO, đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong đó, 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho DN Việt Nam.
 
Trong khi đó, theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 66% trong tổng số 10.000 doanh nghiệp Việt Nam được hỏi ủng hộ và tin vào những lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại cho họ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI khiêm tốn hơn, chưa tới 30%.
 
Các FTA thế hệ mới sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng được coi là “tấm vé” thông hành để các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
 
Khảo sát của VCCI cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hơn trước các FTA. Cụ thể: có 83% doanh nghiệp biết về EVFTA; 93,78% doanh nghiệp biết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN; 97,35% doanh nghiệp biết về WTO; 77,8% doanh nghiệp biết về Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc.
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU..

(http://vnmedia.vn/)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,263,123.00