1/22/2018 10:09:00 AM
.

Về vùng trời thương nhớ


 Ngày đi, họ là những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi. Ngày trở lại, họ đã bước sang ngũ tuần, đã là ông, là bà của những đứa trẻ. Tại nơi cách đây 40 năm những thanh niên xung kích đến mở đường, cả một vùng trời thương nhớ cứ thế ùa về, dẫu có những nhớ thương đã không bao giờ trở lại.
 
Ông Trương Thái Anh Quốc, Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh (phải), tặng hoa chúc mừng nhân ngày gặp mặt 40 năm thanh niên xung kích Huế vào Hương Lâm. Ảnh: Đ.Anh

Nụ cười, nước mắt
 
Xin mượn dòng chia sẻ trên facebook cá nhân của ông Trần Quảng để bắt đầu gợi nhớ cho những ai đã đi theo tiếng gọi con tim rời TP Huế xung phong mở đường vào vùng đất Hương Lâm, Đạ Tẻh cách đây vừa tròn 40 năm. Ngày gặp lại, những gương mặt hằn nếp thời gian, những mái tóc pha sương bỗng rạng rỡ nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt rưng rưng. “Hơn 40 năm gặp lại nhau, gặp nhau cũng giữa Hương Lâm, tay bắt mặt mừng, cười vui rưng lệ bao chuyện buồn vui tuổi thanh xuân. Câu chuyện về những ngày gian khổ dẫu không đầu không đuôi nhưng không thể nào dứt. Càng về khuya, những câu chuyện cũ càng rộn rã, về chén chè hiếm hoi chia nhau, về miếng bánh mỳ mỏng manh nướng vội trước giờ làm, về đêm khuya vắng giữa hoang dã ngồi cạnh bạn vừa chết vì cây đè… Chui vào mùng khi bếp lửa đêm đã tàn vẫn “tám” chuyện. Bây chừ, mỗi người mỗi việc, ở mỗi nơi và đã là ôn nội, ôn ngoại vẫn nhớ đến nhau từng cái nho nhỏ, cái vết khuyết tật của nhau… Giữa chiều lộng gió đông của rừng, dấu hiện trường xưa nay là nhà, là trường, là khu văn hóa, là đường rộng bằng phẳng, là chợ của hai xã Hương Lâm, Đạ Lây. Các ôn, các mệ mang “nụ cười Huế” bắt tay thăm hỏi, không nói nên lời như ngỏ ý: “Cảm ơn các thanh niên xung phong Huế hí!”, chỉ rứa mà ấm lòng - ông Quảng chia sẻ.
 
Ông Quảng là một trong hơn 1.600 thanh niên đã ghi tên vào Trung đoàn 2 và 3 Thanh niên xung kích đã rời TP Huế tiến thẳng vào vùng 3 Bảo Lộc, Lâm Đồng lúc bấy giờ (nay là xã Hương Lâm và Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh). Sau 40 năm, dù không sinh sống tại Đạ Tẻh như nhiều cựu thanh niên xung kích Huế đã chọn, ông Quảng vẫn đều đặn trở về họp mặt ngày truyền thống hay về khi có những dịp hiếu, hỉ của đồng đội. Lần trở về này, ông cùng những người bạn lại thắp nén nhang bên những ngôi mộ đơn sơ của các anh, các chị đã nằm mãi mãi ở đây. Ông chia sẻ: Chúng tôi về đây thăm các anh, chị cũng chỉ nén hương, nhánh hoa như năm xưa ấy, lúc có khi không, lúc chỉ nhánh lan rừng, đơn giản như ngôi nhà mộc mạc nơi anh chị an nghỉ. Nhổ vội nhánh cỏ, lượm nhanh chiếc lá khô trên ngôi mộ, cúi đầu tôn kính, cố ngoảnh mặt che đi để che đôi mắt sau cặp kính lão tràn nước mắt vì sợ các anh, chị buồn khi chúng tôi đến thăm. Khói hương, nước mắt quyện gió mang theo lời biết ơn của chúng tôi đến nơi cuối trời thênh thang cùng anh, chị. 
 
Vui và buồn quyện lẫn có lẽ là cảm xúc không của riêng ông Quảng mà của rất nhiều cựu thanh niên xung phong khác khi tề tựu về Đạ Tẻh để tham dự buổi họp mặt. Lửa trại được thắp lên, những miếng bánh bột mì nướng vội, chia nhau để được “sống” lại một thời gian khó, những câu chuyện vui về gia đình, con cái được kể nhau nghe xôm tụ, những gia cảnh khó khăn của những cựu thanh niên xung phong cũng được sẻ chia, đượm buồn.
 
Họp mặt cựu thanh niên xung phong Huế tại Hương Lâm (Đạ Tẻh). Ảnh: H.Sang
 
Viết tiếp trang sử
 
Theo ông Đỗ Viết Đủ, Trưởng Ban liên lạc Cựu thanh niên xung phong Huế, thời đó, mỗi đợt đi là vất vả gian lao qua 3 ngày đi đường. Sau đợt đổ quân đầu tiên của C2, C3, C6 Trung đoàn 2 và các bộ phận tiền trạm của Trung đoàn vào ngày 18/12/1977, các đơn vị còn lại lần lượt đổ quân cứ mỗi đợt 3 đại đội, cách nhau 3 ngày. Việc đổ quân hoàn thành vào ngày 15/1/1978. Sau khi đổ quân, chỉ sau một ngày nghỉ ngơi, các đơn vị thanh niên xung kích đã bắt tay ngay vào lao động, thực hiện các chiến dịch khai hoang, mở đường, dựng lán chuẩn bị đón dân, vận chuyển lương thực thực phẩm, giúp dân chuyển vào nơi ở mới, bảo đảm an ninh, góp phần ổn định đời sống cho người dân. “Thủa ấy, những chàng trai và bao cô gái trẻ tuổi 18, 20 đã phải nỗ lực từng ngày dù tay tóe máu, phồng rộp, chai sần. Khó khăn, gian khổ lại thêm thiếu ăn, sốt rét rừng đã khiến hàng chục chiến sĩ đã qua đời, hàng trăm người ốm đau do di chứng của sốt rét rừng cho đến tận ngày nay. Thế nhưng, họ đã vượt qua bao đớn đau, bao nỗi sợ ban đầu, hăng hái thi đua lao động, giúp dân” - ông Đủ nhớ lại.
 
Từ ngày 15/9/1978, khi người dân đã từng bước ổn định, các đơn vị đã được lệnh rút quân. Để có lực lượng nòng cốt xây dựng chính quyền tại chỗ, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung kích đã tình nguyện ở lại lâu dài xây dựng xã mới. Những đội viên tình nguyện này đa phần đã trở thành cán bộ chủ chốt của xã, trở thành đảng viên và được điều động về công tác tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của huyện. Trong 10 năm gần đây, Ban liên lạc Cựu thanh niên xung phong TP Huế đã cùng các đồng đội cũ cư trú tại huyện Đạ Tẻh và các tỉnh thành lân cận ở phía Nam đã liên lạc, tổ chức được 9 kỳ họp mặt truyền thống. Nhiều hoạt động có ý nghĩa cũng đã được tổ chức như mừng thọ, tham gia tổ chức tang lễ, vận động góp tiền xây lăng mộ nghĩa tình đồng đội, vận động đóng góp để giúp đỡ, tương trợ cho gia đình các cựu đội viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc ốm đau kéo dài. Ngoài ra, Ban liên lạc còn giữ vững mối quan hệ với Ban liên lạc thanh niên xung kích TP Huế để thăm hỏi, phúng viếng đối với một số đồng chí nguyên là cán bộ Ban chỉ đạo vùng Kinh tế mới, cán bộ Trung đoàn, cán bộ cấp Đại đội cư trú tại Huế khi qua đời hoặc đau ốm hiểm nghèo. Những năm qua, ban liên lạc cũng đã cùng các đồng đội tại huyện Đạ Tẻh tổ chức đón tiếp hơn 10 lượt đoàn với hơn 60 đồng đội cũ ở Huế và các nơi về thăm lại chiến trường xưa tại Đạ Lây - Hương Lâm. 
 
“Những hoạt động của Ban liên lạc thanh niên xung kích Huế tại Hương Lâm tuy chưa lớn, chưa nhiều nhưng cũng đã làm ấm lòng các cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung kích Huế tại Hương Lâm, tạo điều kiện cho anh chị em gắn bó với nhau hơn, giúp đỡ tương trợ nhau trong những lúc khó khăn ngặt nghèo, động viên nhau phát huy truyền thống xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam để vượt qua những khó khăn trong công tác và cuộc sống”, ông Đủ cho biết.                  
 
(Báo Lâm Đồng Online)

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,528,398.00