5/4/2018 9:26:00 AM
.

Về Đơn Dương, nghe kể chuyện “Ơ khan”


 Lâm Ðồng có 3 dân tộc thiểu số (DTTS) sống lâu đời nhất đó là người Kơ Ho, Mạ và Chu ru. Người Chu ru dù dân số ít nhất: 19.876 người (chiếm tỷ lệ 1,61% dân số toàn tỉnh), song, ngày nay còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, đặc biệt, các điệu dân ca, chuyện cổ gọi là “Ơ khan Tơ rơ can”…

Văn hóa của người Chu ru

Theo các nghiên cứu về văn hóa và dân tộc học, người Chu ru hiện nay sống chủ yếu ở Lâm Đồng, tập trung đông nhất ở huyện Đơn Dương và rải rác ở một số huyện khác. Đặc biệt, xã TuTra (huyện Đơn Dương) được xem là “thủ phủ” của người Chu ru sinh sống tập trung và lâu đời nhất.

Theo đoàn khảo sát để xây dựng Bộ tài liệu tuyên truyền xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS giữa tháng 4/2018 vừa qua, tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với một số già làng, người có uy tín trong tộc Chu ru. Điều rất đáng quan tâm là tại đây, hiện vẫn còn lưu giữ những sản phẩm độc đáo phản ánh đời sống văn hóa, sinh hoạt của người Chu ru xưa như: nghề làm gốm, làm nhẫn bạc, hệ thống nhà dài, các vật dụng lao động, sinh hoạt văn hóa như cồng chiêng, kèn (Rơke), trống, đồng la (Sar), R’tông, Kwao, Tenia…là những nhạc cụ truyền thống của người Chu ru. Tuy nhiên, thật đáng buồn, nhiều giá trị văn hóa của người Chu ru ở đây cũng như một số địa phương khác đang dần bị mai một, lãng quên…

Về nguồn gốc, người Chu ru rất giống với người Chăm làm nhiều người nhầm lẫn người Chu ru là người Chăm sống ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Ngôn ngữ Chu ru theo ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo. Tuy nhiên, do cư trú xen kẽ với người Kơ Ho và quá trình giao thoa văn hóa từ lâu đời nên một bộ phận người Chu ru nói tiếng Kơ Ho thuộc ngữ hệ Môn-Khơme. Còn trang phục của người Chu ru thì rất giống của người Chăm. Các cô gái Chu ru nổi bật giữa cao nguyên với chiếc khăn màu trắng quấn từ trước ra sau, vòng qua vai, tạo thành chiếc áo với những đường chỉ thướt tha rũ xuống 2 ống tay. Dải hoa văn dệt bằng chỉ đỏ chạy dọc mép khăn làm cho chiếc áo không một đường may ấy nổi bật trên chiếc váy màu đen. Người nam thì choàng một tấm khăn chéo qua người hoặc mặc áo dài màu đen, váy trắng, đầu quấn khăn trắng…

 Có nhiều cách lý giải về trang phục của người Chu ru; theo người địa phương, hiện nay trong cộng đồng người Chu ru không tồn tại nghề dệt thổ cẩm; tất cả trang phục đều đặt mua ở Ninh Thuận; bởi vậy, trang phục của người Chu ru giống trang phục của người Chăm (ở Ninh Thuận) là tất nhiên. Mặc khác, cũng do sống gần gũi với các dân tộc khác nên trang phục của người Chu ru còn giống của dân tộc Kơ Ho, thậm chí người Mạ…

Đội nghệ nhân người Chu ru trong Hội thi các làn điệu dân gian các DTTS toàn tỉnh do Sở VHTTDL Lâm Đồng vừa tổ chức

“Ơ khan” - kết nối cộng đồng

Cũng như các tộc người DTTS, người Chu ru sống dựa vào nông nghiệp (trồng lúa, cà phê, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm) và nghề đánh bắt cá ven đập thủy lợi Đa Nhim, suối, sông… Do đó, người Chu ru có tín ngưỡng đa thần và hệ thống lễ nghi nông nghiệp khá phong phú. Đặc biệt, người Chu ru rất khéo tay thể hiện qua nghề làm gốm và nhẫn bạc - đó là những nghề thủ công truyền thống một thời đem lại thu nhập ổn định cho người Chu ru. Những làng như: Bkăn, Krang gõ, Krang chớ...(xã TuTra) từng là những làng nghề nổi tiếng về nghề làm gốm và làm nhẫn bạc của người Chu ru. Tuy nhiên, theo già làng Ya Loan (72 tuổi ở xã TuTra) thì hiện nay do sản phẩm làm ra không bán được nên bà con bỏ dần. Nghề làm nhẫn bạc chỉ còn 1 hộ (ông Ya Tuất) duy trì thôi…

Về xã hội, người Chu ru sống tập trung theo cấu kết làng (plei) khá bền vững. Một làng bao gồm nhiều dòng họ người Chu ru, hoặc các dân tộc khác cùng cư trú. Trong tộc người Chu ru, họ Touneh được xem giàu có và quyền quý nhất. Hôn nhân của người Chu ru giống người Kơ Ho, Mạ là theo chế độ mẫu hệ; người phụ nữ có vai trò rất quan trọng; khi đủ tuổi tự đi “bắt chồng” về chung sống; con cái lấy họ mẹ…

Trong di sản văn hóa của người Chu ru hiện nay còn lưu giữ vốn ca dao, tục ngữ rất phong phú; nổi bật là những bài hát, điệu ca, kể chuyện cổ… nội dung ca ngợi chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ trong xã hội Chu ru. Trong đó, nhiều truyện cổ phản ánh cuộc đấu tranh bất khuất của những vị anh hùng, của con người với thiên nhiên, thú dữ và xã hội để giành lấy hạnh phúc, bảo vệ dân làng.

Dàn chiêng của người Chu ru ở Lâm Đồng

Ngày nay, trong cộng đồng người Chu ru còn lưu truyền một số trường ca mà các già làng thường kể lại cho con cháu nghe bên bếp lửa từ đêm này qua đêm khác. Trong đó, “Ơ khan Tơ rơ can” là kể những câu chuyện cổ; nội dung trong mỗi câu chuyện cổ ẩn chứa tư tưởng, tình cảm, bồi dưỡng đạo đức, ý thức dân tộc cho mọi thành viên trong  cộng đồng nhớ về nguồn cội, để xứng đáng với cha ông, với đất trời, với tổ tiên của tộc người Chu ru. Mỗi câu chuyện kể ấy còn là những bài học bổ ích, những lời nhắn nhủ, những “thông điệp” gửi đến lớp người kế tiếp phải biết phấn đấu để vươn lên.

Trong các dịp lễ hội, buôn làng mừng lúa mới, mừng được mùa, cúng các vị thần: thần mương nước, thần lúa, đáng chú ý nhất là cúng thần Bơmung… thường biểu diễn cồng chiêng, tấu điệu Tam-ga, đây là vũ điệu mang tính cộng đồng rất cao; các già làng thì kể chuyện cổ để giáo dục con cháu…

Qua bao nhiêu thay đổi của cuộc sống, các giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Chu ru có nhiều thay đổi; một số làn điệu dân gian, chuyện kể phai nhạt dần; số người thuộc và biết kể chuyện không còn nhiều; giới trẻ không mấy “mặn mà” với truyền thống văn hóa của tổ tiên… là nguy cơ dẫn đến mai một các giá trị văn hóa của người Chu ru.

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết đang tiến hành khảo sát khu vực hồ thủy lợi Pró (nằm trên địa bàn xã Pró, huyện Đơn Dương) để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai Đề án xây dựng làng văn hóa các DTTS huyện Đơn Dương. Hy vọng, khi dự án này được triển khai sẽ là cơ hội khôi phục các làng nghề truyền thống; qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS ở Lâm Đồng, trong đó có người Chu ru (Đơn Dương)… 

(http://baodulich.net.vn/)

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,377,669.00