Xưa, các bậc túc nho có câu “vua chơi lan quan chơi trà” để ví thú chơi lan tao nhã nhờ vẻ đẹp và hương thơm của lan vừa thanh tao vừa quyến rũ. Với phong lan, có hàng trăm loài, nhưng một trong những loài độc đáo là Giả hạc phân bố tại địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, nở vào mùa Xuân, dâng hiến sắc đẹp và làn hương dịu nhẹ, được giới sành điệu gọi là “Giả hạc Xuân”.
![]() |
Phong phú và đa dạng loại
Phong lan Giả hạc ở huyện Di Linh phân bố hẹp, chỉ tập trung ở một số địa bàn của huyện này như các xã Tam Bố, Bảo Thuận, Sơn Điền, Tân Nghĩa, Tân Lâm... Vì vậy, một trong những định hướng phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp vừa được Nghị quyết HĐND huyện ban hành vào tháng 12/2018 là nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó có bơ, sầu riêng, mắc ca, và dĩ nhiên không thiếu lan rừng Di Linh.
Lan Giả hạc tên khoa học là Dendrobium Anosmum. Có vùng gọi là lan Phi Điệp hay lan Lưỡng điểm hạc. Nhưng cách gọi nào thì Giả hạc vẫn là loài phong lan đứng đầu bảng về sắc và hương, vừa quý phái vừa nồng nàn, đặc trưng của khí hậu rừng nhiệt đới. Ở nước ta Giả hạc sống tại rừng thuộc các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… Phong lan Giả hạc thích nghi tốt với cả nóng và lạnh nên chúng sống quanh năm trên những thân cây cao ở vùng rừng lá rộng thường xanh. Tuy nhiên, độc đáo nhất phải là Giả hạc Di Linh tỉnh Lâm Đồng, vì hoa nở vào dịp Xuân, cả sắc và hương dịu nhẹ, quyến rũ đến mê hồn người thưởng ngoạn.
Tuy khó có số liệu thống kê chính xác nhưng qua giới chăm và chơi phong lan ở huyện Di Linh cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 100 người đang sở hữu loài lan Giả hạc Di Linh với tư cách là nhà chăm sóc (nhà vườn); còn chơi loại lan này thì khoảng gấp rất nhiều lần số lượng đó. Với ưu thế đặc sắc, Giả hạc Di Linh đến với nhiều vùng miền Tổ quốc trong nhiều năm nay. Giả hạc Di Linh được giới chăm và chơi phân ra cụ thể dựa theo vùng phân bố hoặc theo hình thể của thân, hoa. Đó bao gồm: Giả hạc Tam Bố, Giả hạc Taly Bảo Thuận, Giả hạc Sơn Điền… Mỗi loại lại có “nù” và thường; trong đó “nù” giá trị hơn vì thân mập và đứng, đốt ngắn, dải hoa màu đẹp, cánh hoa tròn (cánh mai), khuôn bông căng và bay, lưỡi gọn, sạch… Đó còn là Giả hạc Thác Khói (địa danh của xã Tân Nghĩa); Giả hạc Leng (địa danh của xã Tân Lâm). Lại có cách phân biệt dựa vào màu sắc của hoa, phổ biến có màu tím, hồng, nhưng khi đột biến gen, Giả hạc có hoa màu trắng (thường xuất hiện ở Giả hạc trắng Tam Bố), rất có giá trị. Giả hạc Xuân Di Linh cũng được giới chơi lâu năm phân biệt bằng các cách gọi khác như “mũi hồng mắt nai” (mũi hoa có màu hồng, mắt hoa mơ màng cuốn hút như mắt con nai) hay “mắt xước”, “Taly lưỡi đỏ”, họng sạch Thác Khói, họng sạch Tam Bố; đặc biệt Giả hạc Nù Tam Bố luôn có thương hiệu và được rất nhiều người chơi lan săn tìm và ao ước sở hữu.
Gọi tên những giá trị
Chúng tôi đến với các chủ vườn lan ở huyện Di Linh để tìm hiểu và được biết, hiện một số Vườn lan Giả hạc Di Linh có tiếng. Đó là vườn lan Hạnh Đăng ở Tổ 18, thị trấn Di Linh; Vườn lan Đại Xuyên, Vườn lan Kim Ngân ở xã Đinh Lạc; Vườn lan Minh Quang, Kim Anh ở thị trấn; Vườn lan anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Phú Hiệp… Khi chúng tôi có mặt tại vườn lan Hạnh Đăng, cô Hạnh đang cẩn thận đóng hàng lan cho khách mang đi tỉnh Đăk Nông còn anh Đăng dẫn mấy khách chơi tham quan và giới thiệu trong vườn lan rộng khoảng 500 m2 được phân ra nhiều tầng cao thấp khác nhau. Ngoài giá trị được phân biệt theo vùng và hình thể hay biến đổi gen như nêu ở trên, anh Đăng còn cho biết giá trị một giò phong lan Giả hạc được quan tâm đến rất chi tiết ở các bộ phận của hoa. Đó là cánh vai và đài phải dày, căng (gọi là sáp); khuôn bay (mềm mại, cong như cánh chim bay); mắt vừa đậm, xước (có gân) vừa mờ (chấm phá nhẹ), gọn, không lem; môi căng, có tuyết (lông tơ); mũi hồng, trắng, tím, tươi tắn, cân đối. Ngoài ra, các bộ phận khác cũng được soi xét kỹ như cựa, thùy đạt chuẩn; thân mập, chắc khỏe; lá tròn, dài, bóng nhựa, có sọc càng quý; đốt thân dày… Một bông phong lan đẹp nhìn tổng thể hoa phải đầy đặn, không cụp mà vươn lên một cách kiêu sa, quý phái và tràn đầy nhựa sống…
Nhưng để có giò lan đẹp như liệt kê ở trên rất công phu trong khâu nhân giống và đặc biệt là chăm sóc và nuôi dưỡng. Từ phương pháp lựa chọn ki để nhân giống đến phương pháp di thực; từ tạo độ ẩm, mức độ chiếu sáng, mức độ gió, chế độ tưới… đến phương pháp bón phân, bắt các loại côn trùng, ốc… Hiện các nhà trồng phong lan ở Di Linh áp dụng các phương pháp nhân giống như ươm ki, gieo hạt, thụ phấn nhân tạo, cấy mô… Từ lúc chọn ki cho đến nứt mắt nhú mầm rồi ra hoa thông thường kéo dài đến khoảng 2 năm (có những ki khỏe thì năm đầu cũng cho ra hoa); còn gieo hạt phải 3-4 năm mới có hoa. Chúng tôi đến Vườn lan Minh Quang, chủ là anh Phan Văn Tuấn dẫn vào phòng cách li giới thiệu những bịch giống được lấy ra từ tủ tạo sáng bằng bóng điện. Anh Tuấn là người tiên phong nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Lan Di Linh cho biết: “Thời gian đầu cũng thất bại. Quá trình mày mò rất nhiều mới đúc kết được phương pháp kỹ thuật, bây giờ tỷ lệ đạt được khoảng 65%”. Còn về đầu tư một vườn lan bài bản (gồm hệ thống lưới che nắng và gió, giàn treo, kệ đặt, chậu và giá thể trồng, hệ thống tưới sương…) chi phí 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng/100 m2. Chưa tính chi phí về điện, nước, các loài phân bón và công chăm sóc. Đối với giống thì vô giá vì phụ thuộc vào dòng, sức khỏe của cây,… Biết rằng, giá giống cây được tính bằng… cm, gọi là “xen”; mỗi cm ít nhất từ 50.000 đồng trở lên.
Sinh kế và bảo tồn
Sinh kế và bảo tồn
Đến đây có thể hiểu “nghề chơi thật lắm công phu”. Giới chơi lan Giả hạc rất biết được những giá trị của lan Giả hạc Xuân Di Linh nói riêng và Giả hạc biến đổi gen nói chung. Chủ nhân Vườn lan Hạnh Đăng đã chỉ cho chúng tôi những giò lan Giả hạc tại vườn có giá từ 50 triệu đồng. Trước đó, ở Di Linh đã có những giò Giả hạc Xuân Di Linh được giới sành điệu mua tới 200 triệu đồng (dòng Trắng Di Linh, Nù Taly, Nù Tam Bố). Hiện nay, thông qua Internet, Giả hạc Di Linh đến được rất nhiều vùng trong cả nước để nghênh Xuân đón Tết cổ truyền. Một giò Giả hạc Di Linh nếu bung những bông hoa đầu tiên từ ngày áp tết thì người chơi được thưởng ngoạn nó đến 3-4 tuần mới tàn.
Ở huyện Di Linh đã thành lập Hội Sinh vật cảnh từ lâu và khẳng định được vị thế tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó là những dịp tham gia Hội hoa Xuân tại thành phố Đà Lạt và Hội hoa Lan toàn quốc tại thành phố Bảo Lộc… Chủ tịch Hội Đinh Công Bình chia sẻ với chúng tôi: “Hiện loài phong lan Giả hạc Xuân Di Linh rất hiếm gặp ở trên các cánh rừng rồi. Vì vậy, việc anh em trong huyện xây dựng được các vườn lan ngoài sự đam mê ra và tạo nguồn thu nhập cho gia đình, đó còn là sự góp phần quan trọng để bảo tồn giống lan quý hiếm này”. Đấy cũng là một định hướng đạt được “nhất cử đa tiện” mà chính quyền huyện Di Linh đã và đang chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện chú trọng giúp đỡ và khích lệ cư dân của mình tích cực tham gia gầy dựng.