Sáng ngày 28/3, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông Elcom tổ chức Hội thảo Ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
![]() |
VinEco là một trong những doanh nghiệp sử dụng công nghệ IoT |
Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, chủ trang trại nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, thành phố Đà Lạt.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, hiện nay, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh có khoảng 51.799 ha sản xuất, trong đó cây rau có diện tích 18.968 ha, cây hoa 3.623,8 ha, cây chè 6.335 ha, cây cà phê 19.884,9 ha. Các công nghệ được áp dụng trong sản xuất NNCNC như nhà kính 4.041 ha, 1.037 ha nhà lưới; công nghệ tưới kết hợp bón phân tự động, thủy canh 20 ha; trên 60 ha ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, bán tự động về nhiệt độ, độ ẩm…; máy phân loại sản phẩm.
Đến nay có 8 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là doanh nghiệp NNCNC; 15 doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng công nghệ thông minh (IoT) vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế (nhờ giảm nhân công lao động), nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm đồng thời góp phần vào hiện đại hóa khâu sản xuất.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đánh dấu sự phát triển bùng nổ của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ sinh học, công nghệ nano… Việc ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối Internet đang trở thành công nghệ có xu hướng ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống con người, tác động rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trong tương lai và là xu thế tất yếu của thế giới.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi sang kinh tế số và hội nhập với cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ứng dụng IoT là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thế mạnh của Lâm Đồng là nông nghiệp. Mặc dù Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian vừa qua, song việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt đưa vào sản xuất những thiết bị, máy móc thông minh hơn, tự động hóa cao hơn, giúp cho người dân có sản phẩm mới chất lượng hơn.
(Báo Lâm Đồng Online)