Nhiều yếu kém chưa được khắc phục
Lý giải về nguyên nhân khiến giá xuất khẩu cà-phê của nước ta thấp, quyền Viện trưởng Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng cho rằng, khâu thu hoạch và sơ chế có vai trò quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cà-phê nhưng đáng tiếc, đây đang là hai khâu yếu của ngành hàng này. Hiện nay, phần lớn người trồng cà-phê vẫn áp dụng phương pháp thu hoạch theo kiểu tuốt cành, hái cả quả chín lẫn quả xanh. Thu hoạch theo hình thức này khiến chất lượng cà-phê không đồng đều, lẫn nhiều hạt đen, hạt mốc. Chưa kể những bất cập ngay tại khâu sơ chế cũng ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cà-phê. Hệ quả, cà-phê của nước ta chất lượng thấp, giá bán luôn ở “vùng trũng”.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên được trồng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước đến nay đã già cỗi cũng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cà-phê của nước ta. Tuy nhiên, việc cải tạo, tái canh những diện tích này không phải dễ dàng. Tại Ðác Lắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Huỳnh Quốc Thích cho biết, năm 2018, toàn tỉnh mới thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71,09% so với kế hoạch. Việc tái canh chưa được như kỳ vọng là do phần lớn diện tích cần tái canh nằm trong nông hộ và là nguồn thu nhập chính của người dân. Do đó, nếu tái canh một lần sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và đời sống của người trồng cà-phê. Ngoài ra, giá cà-phê trong niên vụ 2017 - 2018 thấp, trong khi tái canh cà-phê cần vốn đầu tư lớn, mất nhiều thời gian và phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, vì thế người dân không mấy mặn mà. Mặc dù là vùng sản xuất cà-phê trọng điểm với gần 205 nghìn héc-ta, chiếm 33% diện tích cà-phê toàn quốc và chiếm hơn 36% diện tích cà-phê của khu vực Tây Nguyên nhưng diện tích cà-phê tại tỉnh Ðác Lắc chủ yếu vẫn là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún; khoảng 90% là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các quy trình, kỹ thuật sản xuất, sơ chế và làm chậm mục tiêu hoàn thành kế hoạch tái canh cây cà-phê.
Ðây cũng là thực trạng chung ở các tỉnh Tây Nguyên và nhiều địa phương trồng cà-phê khác. Ðiều đáng nói, những hạn chế nêu trên đã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ khắc phục. Trong bối cảnh giá cà-phê nhân xuất khẩu đang ở mức thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi thì các chi phí vật tư đầu vào như phân bón, công lao động lại tăng đều qua từng năm. Các chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới, người trồng cà-phê sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ðẩy mạnh liên kết chuỗi để ứng dụng khoa học - kỹ thuật
Những năm qua, tiến bộ mới về khoa học - kỹ thuật đã và đang góp phần đáng kể trong sản xuất cà-phê, giúp cho nhiều mô hình cà-phê phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Quyền Viện trưởng Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm ngành cà-phê buộc phải phát triển theo chiều sâu, trong đó, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ðể làm được điều đó, các địa phương phải xây dựng chuỗi liên kết vững chắc giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp). Trong đó, Nhà nước có vai trò liên kết, quản lý các thành phần trong chuỗi sản xuất cà-phê, quản lý quy hoạch sản xuất, dự báo nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của ngành hàng, hoàn thiện các chính sách tài chính trong việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cà-phê.
Liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ giúp quá trình quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm được tốt hơn. Ðồng thời, liên kết sản xuất ở quy mô lớn giúp cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật dễ dàng hơn so với việc sản xuất nhỏ lẻ. Khi tham gia vào các tổ chức liên kết sản xuất, người dân còn có cơ hội tiếp cận tiến bộ kỹ thuật cũng như có nguồn vốn để ứng dụng các giải pháp công nghệ trong chế biến cà-phê chất lượng cao. Do vậy, người trồng cà-phê ở các địa phương cần khẩn trương “bắt tay” hình thành các tổ chức liên kết sản xuất hoặc liên kết với các doanh nghiệp và sản xuất cà-phê theo yêu cầu, tiêu chuẩn thu mua của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, đơn vị này sẽ có trách nhiệm ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến hoặc hỗ trợ nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, giúp họ thay đổi tư duy và phương thức sản xuất. Ðáng chú ý, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm và hỗ trợ vốn cho sản xuất.
Nếu thực hiện được những điều nêu trên, chuỗi liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà sẽ là động lực đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành cà-phê. Ðối với vấn đề tái canh cây cà-phê hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho người trồng cà-phê và sớm hoàn thành mục tiêu tái canh, các địa phương cần phải có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật cũng như cây giống để người dân có điều kiện thực hiện việc tái canh.
(http://www.nhandan.com.vn/)