Nhờ chính sách trong phát triển kinh tế, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã giúp cho thu nhập bình quân đầu người của xã Tu Tra (Ðơn Dương) đạt những con số ấn tượng.
![]() |
Ông K’Biêr có thu nhập cao nhờ thay đổi tư duy sản xuất. Ảnh: H.Y |
Về xã Tu Tra những ngày này, chúng tôi bắt gặp những cánh đồng la ghim trải rộng, xanh ngát đang được người dân thu hoạch. Ông Đinh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra tự hào khoe: Xã Tu Tra có 2.676 hộ với 13.023 khẩu, với hơn 64% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào cây lúa một vụ và bắp nên thu nhập chẳng đáng là bao. Từ năm 2015, chính quyền đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, bắp sang trồng la ghim, nuôi bò sữa theo kế hoạch tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác nhằm ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Qua đó, xã đã vận động người dân mạnh dạn đầu tư, thay đổi tư duy, nhận thức đối với sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, chính quyền đồng hành với bà con trong việc tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản. Với những bước đi trên nhờ đó kinh tế của người dân được cải thiện đáng kể.
Ông Hoàng cho biết, người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tu Tra đã từng bước thay đổi tư duy, chủ động học hỏi và cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất kinh tế… Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được người dân quan tâm đầu tư thực hiện. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đã nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Thực hiện công tác chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi có hiệu quả nên đã dần thay thế các loại giống lúa địa phương, năng suất thấp sang gieo trồng một số giống lúa cao sản, kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn chuyển một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu cho thu nhập cao. Về chăn nuôi, từng bước thay thế đàn bò vàng sang chăn nuôi bò lai sind, bò sữa; thay thế giống heo địa phương sang chăn nuôi heo siêu nạc, qua đó đã nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên địa bàn xã đã trồng một số loại cây cho giá trị kinh tế thay thế cho cây cà chua do bị bệnh xoắn lá như cà rốt, khoai tây, hành lá… Đặc biệt, trồng thành công mô hình cây cà chua thân gỗ kết hợp với sâm Đương quy tại thôn Đa Hoa. Tính đến hiện tại, Tu Tra có tổng diện tích trồng rau hoa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên 4.000 ha. Trong đó, diện tích nhà kính, nhà lưới là 93,67 ha, diện tích phủ bạt 1.405 ha, diện tích tưới tự động là 1.800 ha, diện tích trồng hoa là 114,9 ha.
Gia đình ông K’Biêr (thôn HaWai), trước năm 2015 chỉ biết trồng lúa nên kinh tế gia đình chỉ đủ ăn chứ không dư giả. Trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gia đình, trong khi các hộ người Kinh có diện tích bằng mình, có khi còn ít hơn nhưng kinh tế rất khá giả. Ông cho biết thêm, nhờ làm công tác khuyến nông của xã nên ông cũng nắm được tinh thần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, học hỏi được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy mà ông quyết định thế chấp nhà đất vay tiền vốn ngân hàng đầu tư đổ đất trên các chân ruộng lúa, xây dựng nhà lưới để trồng rau màu. Ban đầu, ông đầu tư trước 3 sào với chi phí là 60 triệu đồng/sào để trồng ớt chuông, sau 4 tháng ớt đã cho thu hoạch, với giá ổn định là 14 nghìn đồng/kg. Khi đã có thu nhập tốt ông lại quay vòng vốn đầu tư thêm 4 sào nữa. Hiện tại, với 7 sào nhà lưới trồng ớt, hằng tháng đều đặn gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng.
Theo UBND xã Tu Tra, cũng như gia đình ông K’Biêr, nhờ thực hiện Cuộc vận động “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó rất nhiều hộ ở Tu Tra đã biết ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho vườn sản xuất của mình, để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của Tu Tra là 39 triệu đồng thì đến cuối năm 2017 đã lên 56,9 triệu đồng. Có được con số ấn tượng là nhờ các chính sách trong phát triển kinh tế của xã. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Tu Tra cũng từng bước được kéo giảm đến cuối năm 2017 chỉ còn dưới 4,47%.
(Báo Lâm Đồng Online)