Đa số doanh nghiệp Lâm Đồng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải làm gì để hội nhập khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những thay đổi trong sản xuất, quản trị doanh nghiệp, logictic, thương mại…?
![]() |
Công nghệ tiên tiến trong kỹ thuật nuôi cấy mô tại Công ty Cổ phần Cây giống Cao Nguyên. Ảnh: D.Thương |
Nền tảng từ văn hóa doanh nghiệp
Ông Vũ Văn Tư - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng phân tích: Đứng trước sự phát triển và tăng tốc của nền kinh tế cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp. Để đón bắt được những xu hướng mới, các doanh nghiệp Lâm Đồng cũng cần lựa chọn những lĩnh vực thế mạnh, chủ động nghiên cứu giải pháp phù hợp với thực tế doanh nghiệp. Điều mà tất cả các doanh nghiệp Lâm Đồng có thể chủ động hội nhập thời 4.0 đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng quản trị toàn diện, hiệu quả và quan trọng nhất là xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt, mỗi doanh nghiệp cần có kế hoạch phù hợp với chiến lược phát triển của mình, đây sẽ là yếu tố nền tảng, giá trị cạnh tranh, tạo sự vững chắc cho thành công của doanh nghiệp khi hội nhập.
Tại Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Đăng Khoa (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), mọi hoạt động nhà xưởng, kết nối kinh doanh… đều được thực hiện khá quy củ, nề nếp. Ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Công ty cho rằng: Thay đổi văn hóa trong các doanh nghiệp sẽ luôn chậm chạp và phức tạp hơn những thay đổi công nghệ. Cho nên các nhà lãnh đạo cần có lập trường tiên phong về văn hóa, doanh nghiệp sẽ đạt được sự năng động khi văn hóa doanh nghiệp hoạt động tốt. Tại công ty chúng tôi, các tiêu chuẩn đánh giá văn hóa doanh nghiệp luôn được tích cực thực hiện tại các nhà xưởng, văn phòng của công ty, tiêu biểu như mô hình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Văn hóa doanh nghiệp còn phải thể hiện bản chất của hệ thống doanh nghiệp, đó là hệ thống quản trị doanh nghiệp phải được cải tiến, hệ thống là khoa học, nhưng sự thể hiện chính là văn hóa. Thời đại kỹ thuật số bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, kỷ luật.
Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, như nội lực của mỗi doanh nghiệp, có vị trí và vai trò quan trọng ở thời kỳ mới thành lập cũng như đã phát triển vững mạnh.
Phát huy tinh thần doanh nghiệp
Trao đổi về doanh nghiệp thời 4.0, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng chỉ ra rằng: Liên tục tại các kỳ đại hội, hội nghị, giao lưu doanh nghiệp từ Trung ương cho đến các địa phương, tinh thần doanh nghiệp cũng được nhấn mạnh nhiều trong thời đại 4.0. Đó là tinh thần dũng cảm, dám nghĩ dám làm, quyết tâm làm giàu cho mình và cộng đồng. Tinh thần đó phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế, đề cao trách nhiệm xã hội. Trước những biến động của thị trường và sự thay đổi về chính sách, doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt trong phản ứng hiệu quả, phát triển các chuỗi liên kết… Đối với các doanh nghiệp trong Hội Doanh nhân trẻ, tinh thần doanh nghiệp đang được xây dựng là nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đãi ngộ tốt đối với công nhân.
Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm, ông Phạm Minh Đăng - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang cho biết: Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, mọi thứ, mọi khái niệm, thị hiếu tiêu dùng… đều có thể thay đổi liên tục cho nên quan trọng trong tinh thần doanh nghiệp là thúc đẩy quá trình kiến tạo và đổi mới doanh nghiệp. Không chỉ đột phá về công nghệ, ý tưởng và chính sách mà còn phải biết phát huy các lợi thế và tận dụng các cơ hội, để từ đó thích ứng với thách thức mới, khai thác hiệu quả các động lực mới, đầu tư thông minh, chủ động, sáng tạo và hoàn thiện mình.
Tinh thần doanh nghiệp không chỉ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp thời 4.0 mà còn thể hiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách đãi ngộ của địa phương nơi doanh nghiệp đầu tư, góp phần khơi dậy tinh thần doanh nghiệp thời kỳ mới.
Các sản phẩm thời “thế giới phẳng”
Thời 4.0, khi các hoạt động bắt đầu được áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thì đẩy mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm cũng là một bước sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp.
Một điển hình trong ứng dụng công nghệ cao đó là Công ty Cổ phần Cây giống Cao Nguyên (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) mà theo Giám đốc Trương Đức Phú cho biết, yếu tố thành công của doanh nghiệp là cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, nuôi cấy mô. Hiện tại, ngoài cung cấp cho thị trường nội địa, hàng năm, công ty còn xuất đi trên 5 triệu cây giống đến các thị trường Hà Lan, Đức, Nhật Bản.
Thực tế, các sản phẩm của doanh nghiệp Lâm Đồng cũng đang dần khẳng định mình và vươn xa đến nhiều thị trường trong nước và khu vực. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại, đầu tư và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay: Hiện nay, với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch mà tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện, các sản phẩm thế mạnh của Lâm Đồng đang khẳng định mình bằng chất lượng, bằng chứng rõ nét nhất là kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hàng năm đều tăng, nhất là năm 2017 có mức tăng đột phá. Các sản phẩm được coi là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh luôn được quảng bá với một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp mang tầm quốc tế ở thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Trong các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, các sản phẩm từ cà phê, hoa, trà, nông sản… của Lâm Đồng luôn được đánh giá cao và đã có mặt ở cả những thị trường khó tính nhất như: Nhật, châu Âu…
Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh: Khi đã sẵn sàng về mọi mặt “tâm, trí, lực” để đón đầu cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp Lâm Đồng cũng cần ý thức được ứng dụng công nghệ và cải tiến công cụ sản xuất, vì quan trọng nhất, yếu tố sống còn của doanh nghiệp là chất lượng sản phẩm.
(Báo Lâm Đồng Online)