1/4/2019 9:36:00 AM
.

Tổng kết nông nghiệp nông thôn 2018, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục


 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai kế hoạch năm 2019.

 

Tham dự hội nghị có Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại đầu cầu Lâm Đồng có ông  K’Mák - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở ngành liên quan.
 Năm 2018,  các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp chủ yếu đều vượt kế hoạch. GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Các địa phương đã chuyển 105 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại hình sản xuất khác hiệu quả cao hơn. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu  xuất khẩu. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục được nâng cao năng lực. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, đặc biệt xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Các hình thức tổ chức sản xuất liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm được tăng cường; Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp; phòng chống thiên tai được quan tâm. Đến nay, cả nước có 3.787 xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 42%.

Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế như: cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ biến động, nguy cơ rủi ro;dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn, khoảng cách về xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Vì vậy, trong năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, đây là 1 năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD; có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%. Vì vậy, ngành đề ra các giải pháp:  Tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; Phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và đổi mới các hình thức  sản xuất.
Tại Lâm Đồng, trong năm  2019, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp theo giá cố định 2010 đạt 38.700 tỷ đồng tăng 5,2% so cùng kỳ .Giá trị sản xuất bình quân 169 triệu đồng /ha,  vượt kế hoạch đề ra. Có 87/116 xã  xã đạt chuẩn nông thôn mới; tăng 12 xã so với năm 2017; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54% tăng 0,4%. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ  gần 55 ngàn ha. Diện tích tái canh cà phê đạt gần 9 ngàn ha. Diện tích gieo trồng năm 2018 đạt gần 384 ngàn ha, tổng đàn gia súc đạt hơn 596 ngàn con. Toàn tỉnh đã trồng được  hơn 1.700 ha rừng trồng tập trung, giao khoán bảo vệ hơn 431 ngàn ha. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.900  cơ sở sơ sơ chế, chế biến nông sản, 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ. 
Nhìn chung, năm 2018 tình hình tiêu thụ nông sản Lâm Đồng cơ bản ổn định, giá nhiều sản phẩm ổn định ở mức cao đem lại thu nhập tốt cho người dân như thịt heo, kén tằm, các loại quả đặc thù như bơ, sầu riêng; khoa học kỹ thuật tiếp tục được ứng dụng sâu rộng và có tác động mạnh mẽ đến sản xuất; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng cơ bản, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính được tích cực thực hiện; công tác quản lý, điều tiết các công trình thủy lợi, thủy điện được triển khai hợp lý, hiệu quả. Tuy vậy, ngành nông nghiệp Lâm Đồng vẫn còn khó khăn, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác trồng rừng năm 2018 gặp nhiều khó khăn, các vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng  ngày càng phức tạp, tiến độ triển khai của một số dự án còn chậm.
Năm 2019, ngành nông nghiệp Lâm Đồng  phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 5,5%. Tăng độ che phủ rừng lên 55%, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 180 triệu đồng/ha/năm, tăng 12 xã xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và ngành cũng đưa ra các giải pháp cụ thể là: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại; Đẩy mạnh thâm canh cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao; hiện đại hóa khâu sản xuất rau hoa, tiếp tục tốt chính sách bảo vệ đất lúa, đầu tư cải tạo giống cây công nghiệp dài ngày, nâng cao tỷ trọng của ngành chăn nuôi, tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản, tiếp tục hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất. 

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các bộ ngành đã tham gia phát biểu tham luận chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm nhằm xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được vượt bậc của ngành Nông nghiệp Việt Nam đồng thời đề nghị các địa phương, các bộ ngành liên quan cần tìm các giải pháp khắc phục những khó khăn, tiếp tục phát triển nền NN trong xu thế hội nhập, trong đó chú trọng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ nông sản đặc biệt là đẩy mạnh thị trường xuất khẩu./.

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,290,120.00