Khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) ở Lâm Đồng đã không còn phù hợp và được thay thế bằng nông nghiệp bền vững, toàn diện và hiện đại. Với nhu cầu vốn lớn và ổn định, nông nghiệp bền vững cần có sự chung tay, góp sức của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Thắng trong vườn cà chua hữu cơ đang trổ bông. Ảnh: L.Hoa |
Sản phẩm hữu cơ - xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng
![]() Từ 2 khóa trước, Lâm Đồng đã có Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ về ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2016, NNCNC đã không còn phù hợp ở Lâm Đồng, Tỉnh Đảng bộ ban hành Nghị quyết về nông nghiệp bền vững, toàn diện, hiện đại - có ý nghĩa trên hầu hết tất cả cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, Lâm Đồng có 50 nghìn hecta đất NNCNC, cần rất nhiều vốn, với 3 hướng huy động chính từ Nhà nước, nhân dân và các TCTD. Tỉnh mong muốn thời gian tới, Agribank huy động vốn nhiều hơn để cung cấp vốn nhiều hơn, tăng thị phần tín dụng, đáp ứng nhu cầu NNCNC của tỉnh để phát triển nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững và hiện đại.
Ông Trần Văn Anh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng Agribank với tư cách là ngân hàng thương mại 100% sở hữu nhà nước, thể hiện vai trò chủ đạo và chủ lực trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn, luôn dẫn đầu nhiều năm qua cả mạng lưới và thị phần, luôn gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thống đốc NHNNVN, đặc biệt, trong thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tái canh cà phê, hỗ trợ huyện nghèo, nhất là thực hiện chủ trương và chỉ đạo về lãi suất huy động và cho vay… góp phần quan trọng cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương và cùng với hệ thống chính trị thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Đồng Agribank đang áp dụng nhiều cơ chế khác nhau, bên cạnh cho vay nguồn vốn lớn cần có tài sản thế chấp, còn có chính sách cho vay không thế chấp. Năm 2017, trong hơn 9.000 tỷ cho vay của Agribank Chi nhánh Lâm Đồng có đến 50% lượng vốn không thế chấp tài sản. Sắp tới, Agribank sẽ nghiên cứu những cơ chế khác, trong đó, khuyến khích nhân dân sản xuất theo mô hình liên kết (theo tổ, nhóm), sản xuất có đầu ra, có doanh nghiệp đỡ đầu kỹ thuật để bảo đảm an toàn vốn của Agribank. Đồng thời, triển khai chính sách hạ lãi suất cho vay đối với các dự án phục vụ nông nghiệp nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu những mặt hàng ưu tiên… với yêu cầu có tài chính minh bạch và xếp hạng kinh doanh tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Sanh - Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Đồng II Cho vay sản xuất rau hoa ƯDNNCNC, nông nghiệp sạch là danh mục đầu tư mới, Agribank Chi nhánh Lâm Đồng II cân đối nguồn vốn và bố trí cán bộ tín dụng có năng lực của Phòng Doanh nghiệp phụ trách từng dự án rau hoa công nghệ cao, cùng khách hàng tìm các phương án để tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư, vừa bảo đảm đầu ra cho nông sản.
NHẬT QUÂN (ghi)
|
Ông Nguyễn Quốc Thắng ở thôn Ka Đơn (xã Ka Đơn - huyện Đơn Dương) bắt đầu vay vốn ngân hàng vào năm 2007 để làm vườn ươm và nuôi bò. Rồi ông trồng thêm cà chua, rau cải… cung cấp cho thị trường TP HCM. Suốt 4 năm liền, vừa trồng rau thương phẩm ông vừa thí nghiệm với đất theo hướng sản xuất hữu cơ, khắc phục các loại côn trùng gây hại sinh sôi khi không sử dụng thuốc hóa học.
Năm 2011, ông Thắng mở farm có diện tích 8 ha, gồm 4 ha rau hữu cơ thương phẩm, 2 ha vườn ươm; ngoài ra còn là diện tích chuồng trại và nhà xưởng, đường đi và khu vực cách ly… Xây dựng mô hình trang trại khép kín, nên ông Thắng chăn nuôi một đàn bò 30 con theo hướng hữu cơ, dùng phân bón cho cây trồng. Sản phẩm của trang trại hiện có khoảng hai chục loại rau là cà chua, sú, su hào, đậu cove, hành tây, xà lách, khoai tây, hành paro, rau cải… tiêu thụ chính ở TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, với doanh thu khoảng 4-5 trăm triệu đồng/tháng và sử dụng 25 công nhân lao động.
Ông Thắng cho biết: Ông chuyển đổi phương thức canh tác rau hữu cơ để tránh gây hại cho mình, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. So với rau công nghệ cao, trồng rau hữu cơ có thời gian sinh trưởng dài hơn, sau thu hoạch phải xử lý đất và cho đất nghỉ ngơi, nên mùa vụ cũng ít hơn, nhưng tạo nên một kênh bán hàng mới với giá rau luôn ổn định ở mức cao. Chuyển đổi sang canh tác hữu cơ khá vất vả là lý do người dân chưa mặn mà, nhưng đây là phương thức thân thiện với môi trường và đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng.
Nửa năm nay, cơ sở chứng nhận hữu cơ của châu Âu đã tiếp cận với trang trại của ông Thắng để tiến hành quy trình theo dõi, đánh giá và nếu đủ điều kiện sẽ cấp chứng nhận thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - đây là chứng nhận chất lượng cho sản phẩm hữu cơ uy tín hàng đầu thế giới hiện nay với yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình sản xuất và để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Nông nghiệp sạch còn thể hiện ở khâu thu hoạch và bảo quản
Thu hái đúng độ ngon nhất của sản phẩm và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sơ chế bằng máy móc hiện đại, cho chất lượng và thu nhập cao hơn… là tiêu chí hơn 10 năm theo đuổi quy trình liên kết nông nghiệp bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của Công ty TNHH sản xuất thương mại Nông sản Phong Thúy ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng). Mới đây, Công ty Phong Thúy đã đầu tư khoảng 22 tỷ đồng đầu tư công nghệ sau thu hoạch cho nhà xưởng, kho lạnh và các loại máy móc để áp dụng vào quá trình phân loại, sơ chế, đóng gói và bảo quản để nâng cao giá trị của các mặt hàng nông sản.
Với mức đầu tư 500 triệu đồng, máy đóng gói bằng cách kéo màng sau 2 năm có thể lấy lại vốn, có năng suất gấp 10 lần dùng tay và chỉ cần 2 công nhân, có thể sử dụng hàng chục năm; hoặc, máy đóng gói bằng túi lưới có công suất gấp 5 lần, với mức đầu tư khoảng 220 triệu đồng, cũng có thời hạn sử dụng trên 10 năm…
Đặc biệt, Công ty được trang bị hệ thống máy rửa và phân loại tự động theo kích cỡ, màu sắc, độ ngọt... Mỗi giờ có thể “xử lý” xong 1 tấn cà chua, hoặc chanh dây, hành tây, cam, táo… Với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao để rút ngắn thời gian từ đồng ruộng đến bếp ăn của người tiêu dùng và thực hiện theo một chuỗi khép kín, Phong Thúy đã bảo đảm các mặt hàng nông sản tươi ngon, giảm thiểu thời gian và chi phí bốc dỡ hàng, vận chuyển, lưu kho, lao động, hao hụt… bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị của hàng hóa nông sản...
Vai trò của tín dụng nông nghiệp sạch
Ông Nguyễn Quốc Thắng có cơ ngơi nhà xưởng, đất đai gần 20 tỷ đồng, được Agribank Chi nhánh Lâm Đồng cấp hạn mức tín dụng lên đến 9 tỷ đồng, nhưng đang có dư nợ ở con số 5 tỷ đồng; còn Công ty Phong Thúy có thể được cấp hạn mức tín dụng hàng chục tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn giữ mức 14 tỷ đồng với Agribank Chi nhánh Lâm Đồng 2 từ nhiều năm và đến thời điểm đầu năm 2018 không có dư nợ…
Với diện tích sản xuất rau, củ, quả các loại khoảng 130 ha, cho doanh thu lên tới 150 tỷ đồng mỗi năm Công ty Phong Thúy có thể dễ dàng vay vốn ở nhiều ngân hàng khác, nhưng ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty Phong Thúy cho biết “Mình làm nông nghiệp, sử dụng vốn của ngân hàng nông nghiệp là hợp lý. Ngoài các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, Agribank cũng rất gắn bó, đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp…”.
Nông nghiệp ƯDCNC tạo ra năng suất tốt, sản lượng tốt, nhưng vốn đầu tư rất lớn, gấp 3-7 lần canh tác truyền thống. Agribank đã đáp ứng một lượng vốn khá lớn và sắp tới sẽ chuyển dần theo hướng đầu tư cung ứng giống thay vì chỉ đầu tư cung ứng hàng hóa. Agribank tại Lâm Đồng hiện có 2 chi nhánh cấp 1, 15 chi nhánh cấp 2, 17 phòng giao dịch, chiếm 1/3 thị phần trong hệ thống TCTD trên địa bàn và đi đầu về cho vay NNƯDCNC, nông nghiệp sạch, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng rau, củ, quả của Lâm Đông, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
(Báo Lâm Đồng Online)