Vừa qua, Sở Khoa học Công nghệ đã tổ chức Hội nghị “Tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng” với trên 70 cán bộ, chuyên viên các ngành, địa phương trong tỉnh tham dự. Tại hội nghị, TS Võ Trường Sơn - Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã khái quát về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và định hướng tiệm cận của Việt Nam. Theo đó, so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với tốc độ cấp số nhân chứ không phải số cộng, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Có nhiều cách tiếp cận về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, có thể hiểu khái quát cách mạng công nghiệp 4.0 là sự chuyển dịch từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, dựa trên cuộc cách mạng số diễn ra từ cuối thế kỷ XX. Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất của những công nghệ, tạo sự liên kết giữa không gian vật lý, số và sinh học; là khả năng hàng tỷ người kết nối với nhau thông qua các thiết bị di động với năng lực tính toán, khả năng lưu trữ dữ liệu cực lớn và việc truy cập không giới hạn với tri thức nhân loại.
Theo đó, các công nghệ nền tảng, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rô-bốt tự hành, dữ liệu lớn (công nghệ in 3D điện toán đám mây, internet vạn vật...). Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng đã đặt vấn đề về tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 ở tỉnh Lâm Đồng và nông nghiệp thông minh 4.0. Với mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các chương trình cụ thể như: Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, xây dựng làng đô thị xanh, hợp tác quốc tế và trong nước về nông nghiệp thông minh...
Ông Phạm S nhấn mạnh rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cho cả nhân loại nhiều cơ hội và cả thách thức. Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho phát triển KT-XH của tỉnh, song cũng đặt ra những thách thức lớn khi nguồn lực hạn hẹp, trình độ phát triển chưa cao của các doanh nghiệp. Để có thể đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, cần phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng tư duy, hành động theo tác phong công nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đất, thuế..., tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Từ các lợi thế cạnh tranh của tỉnh, cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ đem đến cho Lâm Đồng nhiều cơ hội phát triển với những ngành nghề mới được tạo ra, các phương thức sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa mới hiệu quả. Các doanh nghiệp, người dân và hệ thống chính trị cần chủ động nắm bắt, kịp thời vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển KT-XH.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)