12/13/2018 9:24:00 AM
.

Tiếng hát dưới chân núi Lang Biang


 Trong các buôn nhỏ dưới chân núi Lang Biang tự bao đời nay tiếng hát vẫn được cất lên như một phần tất yếu của cuộc sống. Từ những tháng ngày tiếng hát vang rừng núi, hát trên rẫy, trên nương đến tiếng hát lưu động trong công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và giờ đây đêm đêm bên ánh lửa bập bùng tiếng chiêng, tiếng hát của người Cil, người Lạch vẫn cất lên như “máu trong người biết chảy”.

Tiếng hát, điệu múa là một trong những “đặc sản” của các buôn làng dưới chân núi Lang Biang.
 
Những tháng ngày mang tiếng ca lưu động
 
“Đã có một thời tiếng hát của những người dân ở Lạc Dương trở thành “thương hiệu” không chỉ trong phục vụ đời sống tinh thần mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tỉnh cũng như cả nước” - anh K’Đức Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa (TTVH) huyện Lạc Dương đã bắt đầu sự tò mò của chúng tôi như thế khi nói về tiếng hát - đặc sản của những buôn làng dưới chân núi Lang Biang. Vị lãnh đạo TTVH không giấu nổi hào hứng khi nhắc nhớ về quãng thời gian Đội thông tin lưu động của TTVH huyện Lạc Dương còn hoạt động “đi thi tới đâu thắng tới đó, luôn đứng đầu trong toàn tỉnh. Thi ngoài tỉnh thì người ta cứ ngỡ Lạc Dương thuê nghệ sĩ chuyên nghiệp”.
 
Lần theo câu chuyện của anh  K’Đức Tuấn chúng tôi tìm tới người có công sáng lập ra đội thông tin lưu động ngày nào, ông Nguyễn Văn Thư - nguyên Phó Giám đốc TTVH  huyện Lạc Dương. Ông vẫn nhớ như in quãng thời gian từ năm 1995 - những ngày đầu kiếm tìm nhân lực để thành lập đội thông tin lưu động. “Người dân ở đây có giọng hát trời phú điều đó thì không phải bàn cãi, nhưng hát để tuyên truyền, hát để phục vụ nhiệm vụ chính trị và chọn người để vừa hát được lại vừa đảm nhiệm tất tần tật các nhiệm vụ của người cán bộ văn hóa thì phải tìm”, ông Thư nói. Sau một năm tìm kiếm, chọn lựa, năm 1996 Đội thông tin lưu động huyện Lạc Dương đi vào ổn định với 12 thành viên. Trong đó, các “nghệ sĩ” chủ yếu là người DTTS tại chỗ. Suốt gần 10 năm hoạt động, đội chủ yếu biểu diễn phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà Nước ở vùng sâu, vùng xa như khu vực 3 xã Đầm Ròn (nay thuộc huyện Đam Rông) và 3 xã Đa Sar, Đa Nhim, Đa Chais khi ấy vẫn còn là vùng xa cách trung tâm huyện một ngày đường.
 
Dòng ký ức của người lãnh đạo TTVH huyện như tuôn chảy khi nhắc nhớ về những tháng ngày trèo đèo, lội suối đến với buôn làng. Đó là những lần xe hỏng vào tới Đầm Ròn đã gần khuya mà bà con vẫn đợi. Cái xe u oát bé tí 16 anh em cùng lỉnh kỉnh máy móc nhét lên như muốn bung cả thùng xe. Đến đoạn dốc thì nhảy xuống người kéo, người đẩy qua sình, qua suối vậy mà không một ai bỏ cuộc. Ngày Noel là ngày vô cùng quan trọng với anh em người DTTS nhưng vì nhiệm vụ họ vẫn đi. Ai cũng có máu nghệ sĩ, máu cống hiến. Hàng trăm bài hát về quê hương, hát bằng tiếng địa phương được những người con của núi rừng cất lên giữa bốn bề hoang sơ rừng núi. Quà cho đội tuyên truyền lưu động mỗi lần về diễn chỉ là chuối, bắp, bí, bầu mà ai cũng nhớ, cũng thương. Người đàn ông về hưu và kinh doanh giỏi có tiếng ở thị trấn Lạc Dương này không dưới hai lần mắt ngấn lệ, giọng nghẹn lại khi nói “lúc đó khổ quá, giờ nghĩ lại mà thương anh em”. Thời điểm ấy cứ mỗi độ tết về, bà con ba xã Đầm Ròn lại đổ ra huyện, ra Đà Lạt ăn xin. Để ngăn chặn tình trạng này, đội thông tin lưu động nhận nhiệm vụ vào với bà con dịp tết. Cùng bà con gói bánh chưng, tổ chức biểu diễn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Thời khắc giao thừa thiêng liêng, giây phút đoàn tụ gia đình nhưng những con người ấy vẫn xa nhà. Bí thư Huyện ủy, lãnh đạo xã, thôn, bà con và đội thông tin lưu động đón giao thừa đơn sơ trong tiếng hát yêu quê hương, đất nước giữa rừng.…
 
Ông Thư nhấn mạnh “đội thông tin lưu động không phải chỉ để mua vui mà là cánh tay đắc lực của Đảng trong công tác thông tin tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Vì vậy, với tần suất 200 buổi đi cơ sở, đến với bà con trong năm, nhận thức của người dân chắc chắn đã thay đổi. Đội thông tin lưu động thực hiện tất cả các nhiệm vụ như thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật quần chúng, thông tin lưu động tuyên truyền cổ động trực quan…”.
 
12 người trong đội thông tin lưu động ngày ấy bây giờ mỗi người một việc nhưng đa phần họ vẫn sống ở thị trấn Lạc Dương. Chị Rơ Ông K’Gem - sơn ca đầu tiên của đội thông tin lưu động hiện đang làm việc trong đội cồng chiêng ở Khu Du lịch đồi Mộng Mơ. Ông Ya Huy - người biết chơi đàn Organ hiếm hoi thời điểm ấy vẫn nhắc nhớ về quãng thời gian đó như những gì đẹp nhất của tuổi trẻ là cùng những người trong buôn làng được “hát đúng nghĩa”. Tiếng hát không để xua đi mệt nhọc mà hát để thay đổi nhận thức của bà con. Những người con của buôn làng được hát về buôn làng cho chính những người trong buôn làng nghe “vui lắm chứ. Mình cũng vui mà bà con càng vui” - ông Ya Huy nói. Vừa gảy chiếc đàn guitar, người đàn ông ấy vừa hát những bài ca của buôn làng như để nhớ về những năm tháng tuổi trẻ. Nhớ những năm tháng tham gia đội thông tin lưu động mà ông Ya Huy ý thức được rõ hơn về đam mê, về tiếng hát và có những định hướng hỗ trợ rõ ràng cho con cái mình.
 
Tiếng hát vút cao qua núi
 
Con gái lớn của ông Ya Huy không ai khác chính là ca sĩ Bounnuer Trinh - cô gái đã lấy tên buôn làng Bounnuer gắn với tên mình thành nghệ danh và tạo nên thương hiệu. Năm 2002, giọng hát chân trần Bounnuer Trinh đoạt giải nhất Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Còn con trai thứ Cil Ninh cũng chạm đến ước mơ khi thi đậu và học tập tại Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai. “Thời điểm đó nghèo thì còn nghèo, nhưng con cái nó đam mê quá, mình cũng biết rõ khả năng của nó nên hai vợ chồng cố gắng dành dụm giúp các con được thực hiện ước mơ của mình”. Đó cũng là lý do khi chúng tôi hỏi nhà ông Ya Huy người dân ở đây bảo “đó là gia đình ca sĩ”.
 
Những buôn làng quần tụ dưới chân đỉnh Lang Biang huyền thoại, cuộc sống thường nhật còn nhiều khốn khó nhưng chưa bao giờ vắng tiếng hát lời ca. Với những người già ở đây như già Krajan Hai thôn Bong Dưng 1, thị trấn Lạc Dương thì “Đứa trẻ nào ở đây cũng biết hát. Đi rừng làm rẫy, tìm măng hát để cho hết mệt mỏi. Để tiếng hát vượt qua được những ngọn núi phải hát cao như chim hót”. Hay cũng có những người khác ở vùng đất này lý giải rằng “Hầu hết người dân nơi vùng đất Lang Biang này đều theo đạo và thường đến nhà thờ để làm lễ cầu nguyện ở nhà thờ, các con chiên thường hát những bài thánh ca, bình ca gồm những bản nhạc có cao độ, trường độ đặc biệt, đòi hỏi phải có âm vực tốt, cứ luyện tập từ năm này qua năm khác nên bà con trong buôn đều hát được và hát rất hay. Đây có lẽ là một phần lý do làm nên giọng hát của những người con sinh ra và lớn lên trên vùng rừng núi Lang Biang huyền thoại này…”.
 
Sau Bounnuer Trinh, hai dì cháu Krazan Út và Cil Pơi cũng người buôn Bounnuer này tiếp tục vượt qua gần 6.000 thí sinh trong cả nước để cùng 13 giọng ca khác góp mặt tại đêm chung kết giải Sao Mai 2003, do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Khu Du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh. Năm 2005, Krajan Sik tiếp tục khẳng định thương hiệu làng ca sĩ dưới chân núi Lang Biang với tấm huy chương vàng cuộc thi dân ca toàn quốc. Nhưng tài năng ca hát ở đây đâu chỉ có thế. Công chúng trong tỉnh, trong nước còn biết đến giọng hát của những người con của núi mẹ Lang Biang như: Cil Glé, Pantinh Sally, Pantinh Benziên, Krajan Drim, Krajan Doal, Liênghot Uyên Ly, Dagout Liêm, Krajan Sik, Krajan Điôn, Liêng Hót Kinh...
 
Giờ đây trong số họ có người lập nghiệp nơi xa nhưng cũng có người trở về buôn làng. Nhưng đúng như cách nói của ông Thư, “Tiếng hát của họ đã vút cao qua núi. Nếu cha ông họ coi buôn làng là sân khấu thì thế hệ này đã vươn cao, vươn xa hơn, góp phần khẳng định thương hiệu của tiếng hát dưới chân núi Lang Biang”.
 
Khai thác lợi thế
 
Khi được hỏi rằng những buôn làng dưới chân núi Lang Biang phải chăng được thiên phú dòng máu nghệ thuật, giọng hát say mê hơn những buôn làng khác trên mảnh đất Tây Nguyên này hay không? Người đàn ông đã đi qua hai phần 3 cuộc đời - Ya Huy khẳng định: “Không phải thế, mà đơn giản môi trường ở đây thuận lợi hơn, tiếng hát của con người nơi đây có thể kiếm thêm thu nhập để nuôi sống họ”. Cách lý giải của Ya Huy mộc mạc mà đúng. Thị trấn Lạc Dương hiện có trên dưới 15 đội cồng chiêng. Bằng cách nào đó họ vẫn giữ được “đôi chút” của truyền thống. Bởi như ông Thư nói “Văn hóa sẽ biến mất nếu tự nó không tạo ra được kinh tế. Tuy nhiên, nếu không cho phép thương mại hóa chắc chắn sẽ không tạo ra kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc không thể bắt tư nhân giữ gìn văn hóa, bởi đó là nhiệm vụ của cơ quan chức năng”.
 
Không tĩnh mịch như những buôn làng khác, đêm trong các buôn Bon Dưng, Ðăng Ya và Ðứng dưới chân núi Lang Biang bên ánh lửa bập bùng vẫn rộn rã tiếng chiêng, nhịp xoang, tiếng kèn tămpơt… từ các đội cồng chiêng để phục vụ du khách gần xa. Các nhóm thường tổ chức biểu diễn ngay tại nhà, với lực lượng “diễn viên” chính là thanh thiếu niên địa phương, các em nhỏ có năng khiếu văn nghệ. Đây cũng là cái nôi để phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn nghệ. Đã có nhiều em là thành viên của các đội cồng chiêng, sau khi tốt nghiệp THPT, được đi học ở các trường nghệ thuật và làm cho tiếng hát dưới chân núi mẹ thêm vang xa.
 
Hiện nay, TTVH huyện Lạc Dương đang sử dụng phương án thuê cộng tác viên cho các buổi biểu diễn. Theo anh K’Đức Tuấn “Trung tâm đang sử dụng lợi thế là nguồn nhân lực dồi dào ngay tại địa phương. Anh Đa Gout Bliem - một trong những người có máu “nghệ sĩ” nổi tiếng ở địa phương, tốt nghiệp chính quy đại học sân khấu điện ảnh hiện đang là quản lý đội cồng chiêng Liên Múp tại khu vực Thung lũng trăm năm trong Khu Du lịch Lang Biang là người thường xuyên nhận biên đạo cho các buổi biểu diễn của trung tâm. Nghệ sĩ múa chính là thành viên đội cồng chiêng này hoặc thành viên các đội cồng chiêng khác trên địa bàn. Bởi thế, mặc dù sử dụng chế độ cộng tác viên, song Trung tâm chưa bao giờ rơi vào tình trạng bị động, đồng thời cũng tạo ra những nét mới lạ, không nhàm chán trong các cuộc biểu diễn của trung tâm”. Tuy vậy, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất hiện nay được đáp ứng tốt hơn, song để tạo ra tên tuổi riêng, màu sắc riêng thì còn nhiều hạn chế hơn so với trước đây. 
 
Những cây đa, cây đề về văn hóa ở thị trấn Lạc Dương quả quyết rằng, “người hát hay ở đây nhiều lắm”. Với nguồn nhân lực dồi dào, đêm đêm ánh lửa vẫn bập bùng cùng tiềng chiêng lời hát. Nhưng để thu hút họ - những nghệ sĩ của buôn làng ấy tham gia vào công tác bảo tồn thì đó là vấn đề đặt ra cho những nhà quản lý văn hóa trên chính mảnh đất này.

(Báo Lâm Đồng Online)

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,301,429.00