Các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện kiểm tra gắt gao nông sản phải truy xuất được nguồn gốc trước khi vào chợ, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nghiêm cấm việc kinh doanh hàng hóa chưa được sơ chế, đóng gói và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng phối hợp để đảm bảo nguồn hàng được xử lý theo đúng quy định của các chợ đầu mối này.
![]() |
Sơ chế, đóng gói nông sản trước khi xuất đi đang là yêu cầu gắt gao mà TP Hồ Chí Minh đang yêu cầu các nguồn cung cấp thực hiện. Ảnh: D.Thương |
Thị trường mục tiêu “thắt chặt” an toàn
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ nay đến năm 2020, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành, nhằm mục đích khảo sát hoạt động sản xuất, cung ứng, thu gom, sơ chế các sản phẩm nông sản đang phân phối tại 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền. Và để thực hiện được lộ trình này, TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt việc quản lý nguồn nông sản nhập vào các chợ đầu mối, đặc biệt là việc đóng gói, sơ chế, trước ngày 31/12/2018 sẽ phải cơ bản hoàn thành.
Theo số liệu mà Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cung cấp: Trung bình mỗi ngày, 3 chợ đầu mối nêu trên nhập về lượng hàng hóa khoảng 9.000 tấn tại mỗi chợ. Số lượng rác thải mỗi đêm ước tính khoảng 240 tấn, trong đó 90% rác thải sơ chế từ nông sản và số tiền xử lý rác thải này rất cao. Điển hình chợ đầu mối Thủ Đức mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải nông sản, phải chi khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng cho việc xử lý rác. Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn có khoảng 80 tấn rác thải nông sản mỗi ngày, phải tiêu tốn 160 triệu đồng mỗi tháng để xử lý rác. Riêng Chợ Bình Điền cũng phải xử lý 20% sản phẩm nông sản và số sản phẩm nông sản này lại chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn chợ.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý 3 chợ đầu mối này cũng đã nêu lên các vấn đề lớn mà các chợ đang gặp phải trong công tác thu gom, vận chuyển, sơ chế. Theo đó, Ban quản lý các chợ cũng chỉ ra rằng việc sơ chế được khuyến khích thực hiện tại nguồn thì nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tái tạo thành phân bón, còn với 3 chợ đầu mối sẽ giảm đáng kể chi phí xử lý lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ quá trình sơ chế tại chợ. Chi phí sơ chế tại 3 chợ đầu mối hiện cao hơn chi phí sơ chế tại nguồn và sự chênh lệch này sẽ được cộng vào giá thành sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh tại chợ mà người tiêu dùng chính là đối tượng phải chịu các chi phí này nên số tiền phải trả cao hơn so với giá trị đúng của sản phẩm.
Đáp ứng yêu cầu, hướng đi bền vững
Tại Lâm Đồng, nơi mà 70% sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh cũng phải bắt tay vào việc hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn... thực hiện việc đóng gói, sơ chế để đáp ứng yêu cầu từ phía tiêu thụ. Ông Dương Đức Đại - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cũng cho hay: Đơn Dương đang chiếm 50% tổng sản lượng rau, củ, quả và hoa của tỉnh Lâm Đồng mà thị trường chủ lực là TP Hồ Chí Minh.
Thực tế tại Đơn Dương, chỉ khoảng 20 - 25% sản lượng nông sản được sơ chế, đóng gói tại nguồn và được truy xuất nguồn gốc.
Ngay khi được phổ biến, hướng dẫn thực hiện phối hợp với TP Hồ Chí Minh, huyện đã triển khai tổ chức phổ biến tình hình và kế hoạch sơ chế để đảm bảo yêu cầu của phía tiêu thụ tại 8 xã và 2 thị trấn trên toàn huyện, hướng đến mục tiêu nâng lên 80% số nông sản được đóng gói, sơ chế khi xuất đi tại nguồn.
Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng cho rằng: Đây chính là hướng đi bền vững cho nông sản Lâm Đồng, khi mà người tiêu dùng ngày càng hướng đến các sản phẩm an toàn, VietGAP, GlobalGAP... thì việc truy xuất nguồn gốc là điều bắt buộc phải thực hiện được trong chuỗi giá trị nông sản.
Từ năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình Trung tâm sau thu hoạch “Bảo quản và chế biến rau, củ, quả” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020”, với kinh phí thực hiện hơn 300 tỷ đồng. Qua đó, sẽ có 6 trung tâm sau thu hoạch, công suất chế biến từ 50.000 - 120.000 tấn sản phẩm mỗi năm tại mỗi trung tâm. Với mục tiêu tăng khối lượng sản phẩm rau, củ, quả được sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, giảm tỷ lệ nông sản xuất bán thô, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Như vậy, với lộ trình đến năm 2020 mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện cũng trùng khớp với lộ trình, mục tiêu mà tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Trước mắt, để đảm bảo yêu cầu mà các chợ đầu mối sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm 2018, các huyện, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn và phổ biến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nông sản trên toàn tỉnh nắm bắt kịp thời các quy định này để nguồn hàng xuất đi luôn được đảm bảo về chất và lượng. Việc sơ chế rau, củ, quả tại nguồn trước khi đưa về các chợ đầu mối còn phải gắn với công tác đóng gói, dán nhãn hiệu nhà cung cấp, tiến tới truy xuất nguồn gốc, tăng giá trị chuỗi nông sản và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
(Báo Lâm Đồng Online)