Nhằm thúc đẩy du lịch đường bộ Việt Nam phát triển nhanh, khẳng định vị thế của du lịch đường bộ trong cơ cấu Ngành và đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến quan trọng của mạng lưới du lịch đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, TCDL vừa tổ chức Hội thảo quốc tế phát triển du lịch đường bộ Việt-Trung năm 2018 tại TP. Móng Cái (Quảng Ninh).
Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tổng kết hội thảo
Từ những đòi hỏi thực tiễn
Với lợi thế về vị trí địa lý, có đường biên giới dài tiếp giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc qua hệ thống 21 cặp cửa khẩu quốc tế, mạng lưới đường cao tốc đang từng bước phát triển, đặc biệt có tuyến đường xuyên Á kết nối với các thị trường có nhu cầu du lịch đường bộ cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch ngày càng hiện đại, có tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn là những tiền đề cơ bản để Việt Nam phát triển du lịch đường bộ và thu hút khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ. Các thủ tục xuất, nhập cảnh hải quan ngày càng được tinh giản, mạng lưới giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch được nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình du lịch bằng xe tự lái. Chính sách ưu tiên phát triển du lịch đường bộ đã được đề cập ở nhiều văn bản pháp lý quan trọng... Đây là những điều kiện cơ bản để có thể đẩy mạnh thu hút khách quốc tế, trong đó có khách Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ vào du lịch nước ta.
Đến nay, một số tuyến hành lang đường bộ kết nối Việt Nam với các nước láng giềng đã góp phần tạo ra các hành lanh kinh tế nói chung và phát triển du lịch. Riêng đối với trên các tuyến hành lang phía bắc nối Việt Nam và Trung Quốc đã công nhận 7 cặp cửa khẩu quốc tế, trong đó có 5 cửa khẩu đường bộ là Móng Cái, Hữu Nghị, Lào Cai, Thanh Thủy, Tà Lùng và 2 cửa khẩu đường sắt là Đồng Đăng, Lào Cai. Giao thông đường bộ kết nối đến 5 cửa khẩu quốc tế phía Việt Nam gồm 5 tuyến quốc lộ/cao tốc; phía Trung Quốc là 3 tuyến cao tốc, 2 tuyến đường cấp tỉnh tại cửa khẩu Tà Lùng/Thủy Khẩu và Thanh Thủy/Thiên Bảo. Tại 5 cửa khẩu quốc tế đường bộ đều có tuyến quốc lộ kết nối đến, trong đó có 5 tuyến quốc lộ chính và 1 tuyến cao tốc. Tuyến cao tốc duy nhất hiện nay kết nối với Trung Quốc là cao tốc Nội Bài (Hà Nội) – Lào Cai dài 265 km, quy mô 2-4 làn xe, bên cạnh đó có tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang chuẩn bị đầu tư xây dựng. Trung Quốc là một thị trường du lịch rộng lớn, kết nối với Việt Nam rất thuận lợi qua các cửa khẩu, vì vậy Trung Quốc luôn là thị trường nguồn khách hàng đầu của du lịch Việt Nam. Năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong gần 13 triệu khách quốc tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng khách luôn đạt mức cao, nhiều điểm đến ở Việt Nam đã trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch Trung Quốc như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng...
Tuy đã có bước phát triển nhưng du lịch đường bộ ở nước ta vẫn còn có hạn chế dẫn tới lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ mới đạt trên dưới 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Về mặt chính sách, vẫn còn nhiều thủ tục như việc xin phép cho các đoàn khách caravan vào Việt Nam, quy trình xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn mất nhiều thời gian, nhất là khi khách đến cửa khẩu ngoài giờ làm việc, việc kết nối mạng kiểm soát, thống kê xuất nhập cảnh giữa các cửa khẩu và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh còn chưa liên thông; sản phẩm phục vụ khách du lịch đường bộ còn đơn điệu; trong khi các điểm, khu, tuyến du lịch phân bố rộng khắp thì đường kết nối đến các tuyến quốc lộ nhiều nơi vẫn chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho việc tiếp cận các điểm, khu du lịch, chưa có nhiều những trạm dừng chân phục vụ khách du lịch tại các tuyến quốc lộ chính; môi trường, cảnh quan, dịch vụ du lịch tại các khu du lịch dọc các tuyến du lịch đường bộ còn bất cập...
Giải pháp tháo gỡ
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, giải pháp của đại diện các Bộ, Ngành, cơ quan quản lý du lịch, địa phương, doanh nghiệp lữ hành về hiện trạng du lịch đường bộ, hiện trạng đón khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, công tác quản lý, khai thác dòng khách này... đã được đưa ra thảo luận. Trên cơ sở đó đã có nhiều đề xuất được đưa ra như: Việt Nam và Trung Quốc cần phối hợp xây dựng sản phẩm đặc sắc chung như công viên du lịch, khu du lịch theo mô hình “2 quốc gia 1 điểm đến”; hình thành những khu nghỉ dưỡng, điểm mua sắm, vui chơi giải trí văn minh, uy tín; thúc đẩy các tuyến du lịch chung; đẩy nhanh thủ tục xuất nhập cảnh; tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý du lịch; hợp tác thông tin, tuyên truyền, có cơ chế thông tin liên lạc giữa hai nước… Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh nhấn mạnh, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên nơi cửa khẩu đóng chân, bao gồm ngành du lịch, xuất nhập cảnh, hải quan, thuế vụ, biên phòng, giao thông… và đặc biệt là chính quyền địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cần tránh phát triển nóng vội, chấp hành đúng pháp luật và chủ trương hợp tác của hai nước. Đại tá Lê Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị, TCDL cần tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước; chủ trì phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành liên quan trong việc quản lý hoạt động du lịch qua cửa khẩu biên giới. Các công ty du lịch lữ hành phải chủ động phối hợp, liên hệ với Bộ đội Biên phòng để tìm hiểu và để được hướng dẫn những quy định về thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng đối với du khách nhập, xuất cảnh…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCDL Ngô Hoài Chung khẳng định vị thế và vai trò của du lịch đường bộ trong cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam. Sau Hội thảo, ngành Du lịch sẽ báo cáo Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng của mạng lưới du lịch đường bộ Việt Nam - Trung Quốc. Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đề nghị các bên liên quan tăng cường hợp tác nhằm hạn chế tồn tại, giải quyết các vướng mắc hiện có, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để loại hình du lịch đường bộ nói chung và du lịch đường bộ Việt – Trung nói riêng đóng góp vào sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
(http://baodulich.net.vn/)