Kỳ 3: Đẩy mạnh công nghệ trong phát triển du lịch
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp và du khách trong việc tìm kiếm chương trình tour, lịch trình và cả phương thức thanh toán trực tiếp. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới ở mức dừng ở ứng dụng ban đầu, chưa đủ lớn để tạo ra tích hợp, ứng dụng thông minh.
Trong lĩnh vực du lịch, ở mỗi khâu, cách mạng công nghiệp 4.0 đều có tác động mạnh mẽ.
Cuộc chơi đầy thử thách…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng gần 30% so với năm 2016, trong đó, gần 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua internet.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL), cho rằng hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế mua bán, thanh toán và phản hồi qua môi trường số ngày càng tăng. Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, 10 sàn giao dịch này mới thực hiện khoảng 20% giao dịch, các dịch vụ còn lại thuộc về các sàn giao dịch nước ngoài.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty HanoiRedtour cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho dịch vụ du lịch trực tuyến tại các doanh nghiệp vẫn đang mạnh ai người đó làm, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Do đó du lịch trực tuyến tại Việt Nam chưa phát triển đúng nghĩa.
Thương mại điện tử bây giờ đã qua thời website hoặc hoặc một app (ứng dụng) trên di động. “Còn rất nhiều yếu tố khác. Trong con mắt của chúng tôi, những đơn vị dám đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam vô cùng dũng cảm. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chia sẻ.
Dự báo của VECOM, Google cho thấy, đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó, riêng du lịch trực tuyến đạt 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.
(http://baodulich.net.vn/)