12/27/2018 1:24:00 PM
.

Tạo giá trị mới từ những cây trồng truyền thống


 Nguyễn Thị Thu Huyền (sinh năm 1985) vừa trở về từ Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018. Cô là một trong 100 thanh niên có dự án, mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia vào hành trình với việc xây dựng thương hiệu Hồng sấy gió Trạm Hành.
 

Thu Huyền mong muốn gìn giữ cây trồng truyền thống của địa phương bằng cách nâng cao giá trị của sản phẩm
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nổi tiếng của trái hồng, Huyền trăn trở rất nhiều khi thấy giá hồng tươi ngày càng rẻ, người dân không còn mặn mà với loại cây trồng đặc sản truyền thống này và liên tục chặt bỏ. 10 năm làm Bí thư Đoàn xã Trạm Hành khiến Huyền hiểu rằng: Muốn tạo ra một sự thay đổi thì người trẻ phải là lực lượng tiên phong. Vậy là từ năm 2013, Huyền bắt tay vào làm hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản với mong muốn nâng cao giá trị cho cây hồng. 2 năm là quãng thời gian để cô vừa làm thử vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh quy trình cho phù hợp với nguyên liệu và điều kiện khí hậu của địa phương. Những điều chỉnh về quy trình giúp trái hồng Trạm Hành làm ra mềm và vẫn thơm mùi hồng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong nước. 
 
Năm 2014, thương hiệu Hồng sấy gió Trạm Hành ra đời. Là tên “Trạm Hành” chứ không phải là một cái tên riêng, bởi Huyền chia sẻ rằng mình muốn khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu cho vùng chứ không phải chỉ riêng cho bản thân mình. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Huyền cùng các hộ nông dân bắt đầu tạo sự thay đổi khi chăm sóc cho hồng ngay từ gốc.
 
Khi sản phẩm đã ổn định về chất lượng thì vấn đề lớn hơn đặt ra là tiêu thụ sản phẩm. Để người tiêu dùng biết đến hồng sấy gió Trạm Hành, Huyền đưa sản phẩm của mình tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, những triển lãm, hội chợ lớn như Tech Mark, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để sản phẩm có cơ hội tiếp cận thị trường. Năm 2015, thương hiệu Hồng sấy gió Trạm Hành đoạt giải khuyến khích Chung kết toàn quốc Hội thi Sáng tạo Khởi nghiệp lần thứ I.
 
Đến nay, Huyền đã liên kết với 5 hộ gia đình, đưa ra thị trường khoảng 10 tấn thành phẩm mỗi năm với giá bán lẻ từ 350.000 - 400.000 đồng. Để đa dạng trong sản xuất, hiện tại, cơ sở sản xuất của Huyền còn liên kết với các hộ nông dân cho ra thêm các sản phẩm mới như rượu hồng, hồng sấy theo hướng truyền thống, và sấy các loại trái cây hiện đang có tại địa phương nhằm giải quyết lượng hàng hóa vào mùa rộ, dư thừa của nông nghiệp địa phương và nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn. 
 
Theo Huyền, những người trẻ ở nông thôn có vai trò rất lớn trong việc tạo ra giá trị khác biệt từ những cây trồng truyền thống, từ đó duy trì được thế mạnh của địa phương mình. Hiện tại, Huyền đang xây dựng mô hình Điểm du lịch, giúp khách có thể tham quan hồng treo và mua hàng trực tiếp, nhằm đảm bảo việc duy trì sản xuất của các hộ dân liên kết và củng cố, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,289,977.00