Buôn Chuối là một trong những thôn ít ỏi có người K’Ho bản địa sinh sống thuộc xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đã biết thay đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vươn lên thoát khỏi đói nghèo bằng việc áp dụng một mô hình trồng chanh dây xen cà phê.
![]() |
Bà K’Glàng trong vườn chanh dây xen cà phê. Ảnh: D.Quỳnh |
Bà K’Glàng, người đã gắn bó cả đời mình với Buôn Chuối vừa nhặt lá chanh dây, vừa cho biết nhà bà trồng vườn chanh dây được khoảng gần 1 năm và đang cho thu hoạch rất ổn định. Giống chanh dây của gia đình bà trồng là giống chanh dây Australia, trái to, vị ngọt, vỏ dày. Bà cho hay: “Trồng chanh dây nói chung đầu tư không lớn, chỉ đầu tư tiền giống, tiền dây với chăm sóc giai đoạn đầu. Trái thì ngày nào chúng tôi cũng thu, hàng bán theo giá cả thị trường. Nói chung giá cả cũng lên xuống nhưng nhà tôi cũng đủ ăn”. Điều hay của trái chanh dây Australia là vỏ trái rất dày, khả năng bám trên cành rất tốt kể từ khi chín. Vì vậy, dẫu giá cả có xuống thấp vài tuần, nông dân cũng có thể để trái bám trên giàn, đợi giá cao hơn mới hái. Thời điểm giá cao, một kg chanh dây có giá tới 25 ngàn đồng, là nguồn thu đáng kể cho người nông dân.
Tuy nhiên, điều hay lại là ở vườn cà phê dưới tán chanh dây. Dân Buôn Chuối vốn quen với canh tác cây cà phê. Nhưng trồng lâu, giống cũ, cây cà phê năng suất rất thấp và bà con thu nhập từ cà phê không cao. Việc tái canh là điều bắt buộc với những diện tích cà phê cũ. Nhưng đất không nhiều, trồng lại cà phê mới thì trong thời gian chờ cà phê ra trái bà con lấy đâu ra thu nhập? Bà Huỳnh Thị Tố Nga, Bí thư chi bộ thôn Buôn Chuối chia sẻ: “Cũng từ ý nghĩ làm sao để có thu nhập cho bà con trong thời gian chờ cây cà phê lớn, chúng tôi đã nảy ra ý định trồng cây chanh dây ở trên và cây cà phê ở dưới. Kết quả cho thấy rất khả quan và vườn cà phê đã phát triển rất tốt”. Trung bình, cây chanh dây có thể cho thu hoạch từ 12-18 tháng, sau đó lụi dần và giảm năng suất. Trong thời gian đó, cây cà phê non cũng không cần nhiều ánh sáng, có thể trưởng thành tốt dưới bóng giàn chanh dây. Ngắm vườn nhà bà K’Glàng, dưới tán chanh dây mát rượi, những cây cà phê tuy mới trồng nhưng phát triển rất xanh tốt. Bà Glàng cho biết sau khi giàn chanh dây tàn, nhà sẽ thu lại giàn và để cây cà phê có bóng mặt trời ra hoa kết trái. Bà bảo, trồng dưới tán chanh dây, cà phê phát triển còn nhanh hơn trồng ngoài trời do có cây che bóng. Hiện Buôn Chuối đã có hàng chục hộ gia đình người dân tộc K’Ho bản địa tái canh cà phê bằng mô hình trồng chanh dây làm giàn, cà phê dưới bóng.
Bà Trần Thị Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh đánh giá, trong số các thôn dân tộc tại Mê Linh, Buôn Chuối là thôn phát triển tốt nhất, ổn định nhất. Bà cho biết: “Bà con Buôn Chuối chăm chỉ lao động, lại biết học người Kinh thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi”. Hiện Buôn Chuối có một số mô hình hay trong bà con K’Ho như trồng cà phê dưới tán chanh dây. Đây là mô hình được khuyến khích nhân rộng do giúp bà con có thu nhập trong thời gian chờ cây cà phê tái canh ra hoa, kết quả. Bởi nếu không có thu nhập từ chanh dây, bà con sẽ không có nguồn thu nhập khác nên sẽ cố duy trì diện tích cà phê năng suất thấp. Vì vậy, Hội nông dân xã đã vận động nông dân các thôn tới xem mô hình trồng chanh dây xen cà phê non để nắm bắt được thực tế. Đây là cách làm khá sáng tạo, phù hợp với điều kiện của người nông dân bản địa, gúp bà con an tâm tái canh cà phê, cải thiện diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp.
(Báo Lâm Đồng Online)