12/10/2018 10:19:00 AM
.

Phát huy hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc


 Việc dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm nông sản bước đầu giải quyết được tình trạng sản phẩm đội lốt nông sản Lâm Ðồng. 
Nông dân trồng nông sản VietGAP để cung ứng ra thị trường. Ảnh: H.Yên
 
Tiêu thụ tốt nhờ tem truy xuất
 
Hợp tác xã (HTX) trái cây Bốn Mùa ở xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) trồng cam đường canh, xoài, bưởi, bơ, sầu riêng đạt chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Anh Trần Mạnh Chiến - Giám đốc HTX cho biết, nông dân trồng trái cây sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò, heo, xác thực vật để bón cho cây ăn trái của gia đình, đồng thời dùng bẫy sinh học, bẫy vật lý để phòng trừ sâu bệnh. Trái cây của Đan Phượng được gắn tem truy xuất nguồn gốc và trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rất rõ đặc trưng của loại quả, nơi sản xuất (thậm chí đến từng hộ), còn trên trang web có hình ảnh, nơi sản xuất,... Sản xuất theo hướng hữu cơ là cơ hội cho trái cây Đan Phượng khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và mang lại niềm tin đối với người tiêu dùng. Kể từ đây, trái cây Đan Phượng có được thương hiệu hẳn hoi, được đo lường chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh với các loại trái cây khác trong nước và ngoại nhập vào, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định. 
 
Chủ tịch HĐQT HTX Rau sạch Sơn Uyên (xã Próh, Đơn Dương) - ông Huỳnh Sơn cho biết, hiện HTX có 10 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Próh, và mở rộng liên kết với các hộ dân sản xuất nông nghiệp có chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn VietGAP trên địa bàn huyện Ðơn Dương và thành phố Ðà Lạt. Nhờ đóng gói và gắn tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể truy xuất ra được sản phẩm mình sử dụng được trồng ở thửa ruộng nào, mức độ an toàn thực phẩm ra sao mà HTX cung cấp. Do đó, HTX rất thuận lợi trong việc cung cấp 24 mặt hàng rau, trái cây các loại cho nhiều siêu thị như Sài Gòn Co.op, Metro, Bách Hóa Xanh và nhiều cửa hàng rau sạch, bếp ăn tập thể ở thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm bảo đảm chất lượng, việc cung ứng thuận lợi giúp HTX Rau sạch Sơn Uyên thu được lợi nhuận tốt để tiếp tục phát triển.
 
Ðược biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số đơn vị cung cấp tem truy suất nguồn gốc điện tử đến từ các tỉnh, thành như VNPT Lâm Ðồng, Công ty CP Smart life (Hà Nội), BigData...
 
Đây là những đơn vị vừa cung cấp dịch vụ in tem vừa cung cấp các ứng dụng để cập nhật thông tin, kích hoạt tem truy xuất cho các đơn vị.
 
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài) với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 35 HTX, 42 THT, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570 hộ nông dân. Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận chất lượng sản phẩm. 
 
Hoàn thiện quy trình tem truy xuất
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 21 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy xuất điện tử (mã QR code), gồm 13 HTX, 7 doanh nghiệp, 1 cơ sở. Về sản phẩm nông sản, sử dụng tem truy xuất chủ yếu là trên sản phẩm rau các loại (12 cơ sở); chè (2 cơ sở); trái cây (2 cơ sở); lúa (2 cơ sở); dược liệu (1 cơ sở), mắc ca (1 cơ sở); atiso (1 cơ sở).
 
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm nông sản đã bước đầu giải quyết được tình trạng làm giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng, tăng khả năng nhận biết sản phẩm an toàn và không an toàn trên thị trường. 
 
Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lâm Đồng cho biết, dán tem truy xuất là việc làm mà các nhà sản xuất nông nghiệp đang hướng đến, thế nhưng thực tế tem truy xuất tại các đơn vị sử dụng vẫn chưa thật sự hoàn hảo, thông tin tích hợp trên tem truy xuất chủ yếu thể hiện thông tin đơn vị sơ chế, đóng gói mà chưa thể hiện thông tin đầy đủ về nhật ký sản xuất và quy trình sản xuất. Quy trình này đòi hỏi một chi phí rất cao, trình độ sử dụng công nghệ của nông dân, do vậy tỉnh Lâm Đồng đang từng bước phối hợp với các đơn vị cung cấp tem truy xuất nguồn gốc đẩy mạnh việc hoàn chỉnh hệ thống thông tin trên tem truy xuất, nhất là các sản phẩm có nguy cơ cao về làm giả nhãn hiệu nông sản Lâm Đồng như khoai tây, hành tây... và một số loại nông sản được chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để người tiêu dùng an tâm hơn.
 
Từ đó, xây dựng hình thành chuỗi sản xuất tiêu thụ cho từng ngành của cả tỉnh, tập trung vào các loại nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng được 160 chuỗi liên kết giá trị, đến năm 2023, xây dựng được 200 chuỗi liên kết giá trị, trong đó, ít nhất 70% chuỗi được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn và bền vững. Trên các chuỗi liên kết đều thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc là các siêu thị trên toàn quốc.

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,303,192.00