“Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Ðảng bộ; phát huy sức mạnh hệ thống chính trị; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng thành phố Ðà Lạt phát triển toàn diện, bền vững, hướng đến văn minh, hiện đại” là chủ đề Ðại hội Ðảng bộ TP Ðà Lạt lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020). Theo đó, Ðại hội đã Quyết nghị 24 nhóm chỉ tiêu chính và hệ thống 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên 5 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, đề ra các biện pháp quan trọng để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết và đề ra 5 khâu đột phá, trong đó khâu đầu tiên là phát triển dịch vụ - du lịch chất lượng cao.
![]() |
Du khách đến với thành phố hoa Đà Lạt. Ảnh: Mai Văn Bảo |
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 13/9/2016“Về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030”, đề ra nhiệm vụ cho Đảng bộ TP phấn đấu đạt và vượt từ 5 - 10% tất cả các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Lạt khóa XI.
Nhân dịp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội giữa nhiệm kỳ, đồng chí Huỳnh Thị Thanh Xuân - UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Lạt cho biết: Để cụ thể hóa 2 nghị quyết trên, trong 3 năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo trên các lĩnh vực. Do vậy, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đạt nhiều kết quả quan trọng, cùng với quyết tâm đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã mang lại một khí thế mới, niềm tin mới trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Điểm lại chặng đường phấn đấu 3 năm qua, Đà Lạt có 21 trong 24 nhóm chỉ tiêu đảm bảo tiến độ, dự kiến đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn 3 trong 24 nhóm chỉ tiêu chưa đảm bảo tiến độ gồm: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; số ngày lưu trú bình quân khách du lịch; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh: Điều đáng lưu tâm là nhiều năm nay, Đà Lạt xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch - dịch vụ không những là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là ngành kinh tế động lực cho sự phát triển chung trên các lĩnh vực của TP. Vì lẽ đó, ngành du lịch - dịch vụ đã có những chuyển biến tích cực. Du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 65,5% cơ cấu kinh tế của Đà Lạt.
Nguyên nhân nào khiến cho ngành kinh tế động lực từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập? Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San tại Hội thảo “Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: Văn minh - Thân thiện - An toàn” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng Sở VHTTDL tổ chức ngày 20/7/2018 cho biết: Thời gian qua, Đà Lạt tiếp tục tập trung xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch - dịch vụ và thương hiệu du lịch Đà Lạt. Khuyến khích đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tạo sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, mở rộng liên kết tour đến các điểm du lịch... Xây dựng môi trường du lịch Đà Lạt “Văn minh, thân thiện, an toàn”, TP đã triển khai bộ quy tắc ứng xử du lịch văn minh, thân thiện. Phối hợp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án… Du lịch Đà Lạt phát triển khá, có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch canh nông... Hiện TP có 39 khu, điểm tham quan du lịch cùng với hơn 20 công trình tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam thắng cảnh du lịch khác, trong đó có nhiều danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia. (17 cơ sở đạt chuẩn điểm mua sắm chất lượng cao, 28 cơ sở đạt tiêu chuẩn điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao); 58 đơn vị sản xuất nông nghiệp có hình thức du lịch canh nông, gồm: 3 Công ty cổ phần, 7 công ty TNHH, 3 hợp tác xã, 5 làng nghề (làng hoa Vạn Thành, Xuân Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Đa Thiện), 1 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Lộc Quý - Xuân Thọ, 6 cơ sở và 33 hộ gia đình phát triển các loại hình du lịch có lợi thế, các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Tính tổng thể Đà Lạt có 1.115 cơ sở lưu trú với trên 16.800 phòng, trong đó 341 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 5 sao, chiếm 36% trên tổng số cơ sở lưu trú du lịch, trên 70% cơ sở lưu trú đạt chuẩn “nhãn hiệu xanh”; 32 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch.
Dịp cuối tháng 7/2018, nhân dịp Đà Lạt cùng với Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức Trại sáng tác văn học với chủ đề Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển (1893-2018), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Ôn Hải Điệp thông tin thêm: Đà Lạt có 44.283 hộ, 223.135 người (chiếm khoảng 18% dân số Lâm Đồng). Ngoài người Kinh với tỷ lệ trên 97%, 19 dân tộc thiểu số còn lại có 1.387 hộ, 5.986 người (tỷ lệ 2,68%), trong đó đông nhất là dân tộc thiểu số bản địa (K’Ho) 679 hộ, 2.971 người sống tập trung chủ yếu tại xã Tà Nung và thôn MăngLin - Phường 7. Cư dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, du lịch - dịch vụ - thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Đà Lạt được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng vào tháng 3/2009 và công nhận Thành phố Festival Hoa tháng 12/2009. Là một trung tâm du lịch lớn của cả nước và tầm khu vực Đông Nam Á, Đà Lạt đã có tên trên bản đồ du lịch toàn cầu. Một số tạp chí nổi tiếng trên thế giới đưa Đà Lạt vào danh sách là một trong 50 thành phố đáng đến và đáng sống. Đà Lạt vinh dự được cộng đồng các nước ASEAN vinh danh: “Thành phố có không khí sạch - thành phố bền vững về môi trường”, “Thành phố du lịch sạch”... Phải khẳng định Đà Lạt là thành phố có bề dày hơn 100 năm tiếp biến chọn lọc văn hóa Đông - Tây cũng như bản sắc văn hóa tốt đẹp của các miền Bắc - Trung - Nam hội tụ. Phát huy nét đặc trưng này, thời gian qua, yếu tố văn hóa trong du lịch có chuyển biến tốt, phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - thanh lịch - mến khách” được phát huy trong giao tiếp và ứng xử, để lại ấn tượng tốt với du khách. Điều này minh chứng: Số lượng khách du lịch đến Đà Lạt hàng năm tăng bình quân 12%. Năm 2016, có trên 4,4 triệu luợt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, trong đó có trên 12% khách quốc tế. Năm 2017, có trên 5,1 triệu lượt khách và khách quốc tế đạt gần 18%... Đặc biệt, tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 - 2017, các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Quan hệ giữa sản xuất NNCNC và hoạt động du lịch - dịch vụ ngày càng gắn kết hơn. Hiện các cơ sở sản xuất NNCNC thu hút được du khách trong và ngoài nước với loại hình du lịch nông nghiệp (thành phố có 28 điểm du lịch nông nghiệp). Thành phố có 5 làng hoa (Thái Phiên - Hà Đông - Xuân Thành - Vạn Thành - Đa Thiện) được tập trung đầu tư, phát triển, luôn là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến Đà Lạt đạt 2,85 triệu lượt (có đăng ký lưu trú 2,24 triệu lượt), đạt 50,8% KH năm, tăng 20,7% so cùng kỳ, trong đó: khách nội địa 2,42 triệu lượt, quốc tế 423 ngàn lượt, chiếm 14,9% tổng lượng khách. Du lịch - dịch vụ phát triển góp phần cho các năm gần đây Đà Lạt luôn tăng trưởng ở mức cao bình quân khoảng 10%, riêng năm 2017 đạt 10,6% và thu nhập bình quân đầu người đạt 79 triệu đồng/người/năm.
Thành phố Đà Lạt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã vinh dự, tự hào được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Thời kỳ đổi mới vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua. Đảng bộ TP liên tục 2 nhiệm kỳ được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy truyền thống và đặc biệt là với quyết tâm đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững, Đà Lạt đang tập trung khắc phục những mặt hạn chế trong phát triển du lịch - dịch vụ. Đó là: Sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đa dạng, hấp dẫn; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu dịch vụ - du lịch mang đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Việc gắn kết các khu vực sản xuất NNCNC, các làng hoa với tham quan du lịch còn hạn chế... Trên cơ sở đó, Đà Lạt phát triển kinh tế bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy du lịch chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao làm khâu tăng tốc để sớm đưa TP trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia.
(Báo Lâm Đồng Online)