12/17/2018 9:47:00 AM
.

Nuôi đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm


 Ngồi uống cà phê với người bạn giữa “thủ phủ” trà Bảo Lộc, ngoài cà phê, thay vì nhấm nháp hương trà B’Lao anh thết đãi ấm trà đông trùng hạ thảo. Anh bảo, nó được nuôi trồng ở đây, trên giá thể nhộng tằm quê xứ dâu tằm tơ khiến chúng tôi không khỏi tò mò.

Phó Giám đốc Ngô Xuân Huy giới thiệu các sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo
 
Tò mò bởi, trước nay cũng nghe nhiều người nuôi trồng sản phẩm cao cấp đông trùng hạ thảo nhưng trên giá thể gạo lứt mà ít nghe nuôi trên giá thể nhộng tằm. Hơn nữa, Bảo Lộc còn là “quê hương” trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nên nguồn nguyên liệu làm ra giá thể nhộng tằm luôn có sẵn quanh năm. Vấn đề còn lại là cách thức xử lý nguồn nguyên liệu ấy ra sao và áp dụng công nghệ nuôi như thế nào mà thôi. Chắc hẳn nhiều người đều biết, đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với ấu trùng của một loài côn trùng thuộc chi Hepoalus. Trong đông trùng hạ thảo có tới 17 axít amin khác nhau, các nguyên tố vi lượng như: nhôm, kẽm, kali… và nhiều loại vitamin như: B12, A; C, B2 (riboflavin), E, K… Các hợp chất này có tác dụng bồi bổ, phục hồi các hư tổn trong cơ thể con người. Và, một số tác dụng của đông trùng hạ thảo được nhiều người biết đến như: hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị xạ trị; bảo vệ thận, chống lại sự suy thoái thận, phục hồi tế bào thận; hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể, chống viêm nhiễm, kháng viêm; điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường; bảo vệ phổi, trị các bệnh về phổi, trừ đờm, hen suyễn, suy hô hấp, trị các chứng ho lâu ngày; tăng cường sinh lý, hỗ trợ điều trị vô sinh... Quả thực, đông trùng hạ thảo chẳng hổ danh là loại “thần dược”. Có lẽ chính yếu tố “thần dược” ấy đã khiến chị Nguyễn Thị Hồng Điệp (SN 1980) bỏ kinh doanh quán cà phê sân vườn, cất công tìm hiểu, nghiên cứu rồi lập công ty nuôi trồng đông trùng hạ thảo với ước nguyện ban đầu làm ra sản phẩm dược liệu này cho người cha bị ung thư phổi, bị cắt một quả thận dùng hàng ngày, rồi sau đó hướng đến xây dựng thương hiệu riêng trên vùng đất dâu tằm tơ Bảo Lộc. Sẵn là dân tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học, cùng tình thương người cha bị bệnh, Điệp lao vào nghiên cứu, tìm hiểu cách thức nuôi trồng đông trùng hạ thảo một cách bài bản theo hướng công nghệ cao, kết hợp với khảo sát nhu cầu thị trường để từ đó làm nền tảng cho sự khởi nghiệp. 
 
Đến cơ sở nuôi đông trùng hạ thảo - Công ty TNHH Đan Ngọc của Điệp vào lúc Điệp đi vắng vì đang tham gia khóa đào tạo về quản trị. Phó Giám đốc công ty, anh Ngô Xuân Huy cho biết: Công ty được thành lập cách đây hơn 2 năm. Điều khác biệt đối với nhiều người nuôi đông trùng hạ thảo ở các nơi là công ty sử dụng giá thể từ nhộng tằm thay vì nuôi bằng giá thể từ gạo lứt. “Thông thường nuôi đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt ứng dụng bởi công nghệ Trung Quốc, còn nuôi trên giá thể nhộng tằm sử dụng công nghệ của Nhật Bản. Do có duyên gặp người, gặp việc nên công ty được hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ theo quy trình nuôi trồng của Nhật Bản hiện có cơ sở nuôi trồng ở TP Hồ Chí Minh. 
 
Theo anh Huy, bước đầu tiên là khâu tuyển nhộng đòi hỏi phải là những con nhộng căng tròn, đồng đều rồi đưa vào hấp tiệt trùng trong lò hơi, sau đó mới làm giá thể để đưa lên phòng thí nghiệm cấy giống nấm nhập từ Nhật về.
 
Cứ 30 kg nhộng thì tạo ra giá thể cho khoảng 1.000 lọ để nuôi trồng và nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch từ 12 - 15 kg nấm đông trùng hạ thảo.  
 
Quy trình còn lại cũng không khác mấy những người đang nuôi đông trùng hạ thảo, đó là sau khi cấy giống thì đưa vào phòng ngủ đông độ nửa tháng mới chuyển ra phòng sáng và khoảng 45 - 60 ngày ở nhiệt độ 18 - 20 độ C thì cho thu hoạch nấm. Khi thu hoạch nấm xong cho vào sấy lạnh hay còn gọi là “sấy thăng hoa” để đảm bảo màu sắc cũng như dược chất của nấm không bị thay đổi, tiến tới chuyển ra phân loại. Thoạt nghe có vẻ dễ làm nhưng kỳ thực về mặt kỹ thuật đòi hỏi thực hiện các khâu rất nghiêm ngặt, nhất là về mặt vệ sinh, môi trường nuôi trồng vì nấm rất dễ bị nhiễm các loại nấm trong không khí mà Bảo Lộc lại có môi trường không khí ẩm thấp rất dễ tấn công nấm đông trung hạ thảo làm cho hư hỏng và không thể phát triển.  
 
Hiện tại, sản lượng mỗi lần nuôi cấy của Công ty TNHH Ðan Ngọc khoảng 700 - 800 lọ, cho thu hoạch từ 15 - 24 kg nấm. Với giá bán nấm đông trùng hạ thảo hiện tại khoảng 12 triệu đồng/kg có thể thấy rằng một vụ nấm ra lò cho thu nhập rất cao. 
 
Theo anh Huy, bên cạnh nuôi trồng ra nấm đông trùng hạ thảo, ngoài việc bán nấm tươi ra thị trường, công ty còn dùng làm nguyên liệu sản xuất ra 5 loại sản phẩm như rượu, nấm ngâm mật ong… và tới đây sẽ sản xuất các loại nước uống. Đặc biệt, sản phẩm của công ty làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết, đó cũng là cách thức mà công ty lựa chọn bước đi một cách chắc chắn.
 
Không dừng lại ở việc mở rộng quy mô nuôi trồng đông trùng hạ thảo, trong vài năm tới công ty sẽ xây dựng mô hình Fam nuôi trồng, chế biến đông trùng hạ thảo và mở cửa đón khách tham quan như loại hình du lịch canh nông mà nhiều người đang quan tâm. 
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,304,208.00