2/22/2018 8:43:00 AM
.

Những cái ’nôi’ cung ứng giống cây trồng chất lượng cao


 Ðến hiện tại, Lâm Ðồng được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Ðể có được kết quả này, bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên cùng những chủ trương, chính sách phù hợp của Ðảng bộ, chính quyền địa phương thì không thể phủ nhận những đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, tuyển chọn và lai tạo thành công những giống cây trồng chất lượng cao. 

 
 

Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng
 
Cây công nghiệp và cây ăn quả là những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (tại đường Hà Giang, TP Bảo Lộc) được đánh giá là một trong những địa chỉ uy tín cung ứng giống cây trồng chất lượng cao như chè, bơ, sầu riêng... 
 
Hiện, Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích chè với hơn 21.000 ha, chiếm hơn 16%. Trước đây, chè Lâm Đồng được trồng các giống chè hạt năng suất, chất lượng không cao. Nhưng từ năm 1994, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Lâm Đồng cùng các cộng sự tại Trung tâm đã bình tuyển và lai tạo thành công giống chè TB14. Từ đó, người dân địa phương đã bắt đầu chuyển đổi đưa giống chè này vào trồng thay thế các giống chè hạt. Chè TB14 có các ưu điểm vượt trội như sinh trưởng khỏe, kháng chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao (gấp 2 - 2,5 lần so với các giống chè hạt)... Hiện, chè TB14 là giống chè chủ lực của Lâm Đồng được trồng để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè xanh, chè đen và các loại chè ướp hương. Với những thành quả đã và đang mang lại, ngày 16/10/2012, giống chè TB14 chính thức được Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Quốc gia (Bộ NN - PTNT) xét công nhận là giống chè quốc gia.
 
Cùng với cây chè, Trung tâm cũng là cái “nôi” của các giống bơ ghép đầu dòng chất lượng cao. Trước đây, phần lớn giống bơ ở Lâm Đồng là các giống thực sinh được người dân trồng xen với các loại cây công nghiệp như chè, cà phê... nên hiệu quả không cao. Song, sau 2 lần bình tuyển vào các năm 2005 và 2009, Trung tâm đã cho ra đời 9 giống bơ ghép đầu dòng như: BLĐ/004, BLĐ/005, BLĐ/007, BLĐ/011, BLĐ/018, BLĐ/033, BLĐ/034, BLĐ/036 và BLĐ/040. Để khẳng định tiềm năng và giá trị của giống bơ ghép đầu dòng, Trung tâm tiến hành đầu tư xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm tại Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP Bảo Lộc. Kết quả cho thấy, các giống bơ đầu dòng của Trung tâm có những ưu điểm vượt trội so với các giống bơ thực sinh như sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần. Trong đó, giống bơ 034 được đánh giá là cây đầu dòng tiềm năng nhất. Bởi giống bơ này cho trái dài, to có cơm vàng, dẻo và giàu chất dinh dưỡng nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, đây còn là giống bơ có khả năng ra hoa trái vụ (mỗi năm cho trái 2 lần). Từ đó, Trung tâm tiến hành xây dựng vườn bơ đầu dòng 034 với diện tích hơn 2 sào để lấy chồi sản xuất giống và mỗi năm cung ứng cho thị trưởng từ 50 - 70.000 cây bơ giống. Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng đang có khoảng 4.000 ha bơ; trong đó, diện tích bơ 034 chiếm khoảng 50%. Năng suất bơ 034 đạt từ 25 - 30 tấn/ha (trồng chuyên canh), với giá bán từ 50 - 70 ngàn đồng/kg mang về nguồn lợi nhuận cho người dân từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm. 
 
Ông Trần Minh Điện, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng khẳng định: “Chúng tôi tự hào khi giống chè TB14 được Trung tâm bình tuyển, lai tạo thành công đã trở thành giống chè chủ lực của Lâm Đồng và được công nhận là cây giống quốc gia. Ngoài cây chè, thì việc tuyển chọn, ghép thành công các giống bơ đầu dòng là cả một quá trình đầu tư, nghiên cứu không ngại khó khăn, thử thách của cả tập thể Trung tâm. Năm 2013, các giống bơ đầu dòng của Trung tâm đã được Viện Chất lượng Việt Nam trao tặng “Cúp vàng” và “Huy chương Vàng chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn”. Đây là cơ sở để khẳng định giá trị “vàng” các giống bơ của Trung tâm nhằm tạo niềm tin, uy tín đối với người dân. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phấn đấu để đầu tư nghiên cứu, sản xuất những giống cây trồng chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp địa phương”.
 
Cùng với đó, các cơ sở sản xuất cây giống như Trường Sơn, Thiện Trường... cũng đã góp phần đáng kể vào sự thay đổi toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực sản xuất cây công nghiệp ở Lâm Đồng. Thông qua việc nghiên cứu, bình tuyển bằng phương pháp nhân giống “vô tính” (ghép chồi), năm 2004, hai anh em Phạm Xuân Trường và Phạm Quang Sơn đã thành lập cơ sở sản xuất cây giống cà phê Trường Sơn (tại Thôn 5, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc). Đến nay, Cơ sở sản xuất giống cà phê Trường Sơn đã có 5 dòng gồm: TS1, TS2, TS3, TS4 và TS5 (giống xanh lùn). Cũng với cách làm tương tự, năm 2008, ông Lưu Công Bình (ngụ Thôn 7, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) đã cho ra đời giống cà phê ghép mang thương hiệu Thiện Trường. Theo đánh giá của người trồng cà phê thì khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đậu trái cao và ít sâu bệnh... là những phẩm chất “ưu việt” tương đồng giữa 2 giống cà phê này. Đặc biệt, hiện mỗi ha cà phê được trồng bằng các giống Trường Sơn và Thiện Trường đạt năng suất trung bình từ 6 - 7 tấn, thậm chí có những vườn đạt tới 8,5 - 9 tấn/ha. Nhờ vậy, trong những năm qua, tại các vùng trồng cà phê như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà và TP Bảo Lộc... người dân đã tin tưởng sử dụng các giống cà phê Trường Sơn và Thiện Trường để chuyển đổi trồng mới và ghép cải tạo các vườn cà phê kém năng suất.
 
Toàn tỉnh Lâm Đồng đang có khoảng 150.000 ha cà phê, đây được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện, ngoài 2 cái tên “chính chủ” là cơ sở sản xuất giống cà phê Trường Sơn và Thiện Trường thì Lâm Đồng đang có hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống cà phê và hàng chục tổ chức, cá nhân có vườn giống cà phê đầu dòng mang tên Trường Sơn và Thiện Trường. Qua đó, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu cây giống và mầm chồi. Điều này đã góp phần quan trọng giúp Lâm Đồng đã và đang thực hiện hiệu quả Chương trình tái canh cà phê và đưa năng suất cà phê tăng lên qua từng năm. 
 
Ông Phạm Quang Sơn, chủ cơ sở sản xuất cây giống cà phê Trường Sơn cho biết: “Hàng năm, cơ sở chúng tôi sản xuất từ 500 - 700 ngàn cây giống cà phê ghép để cung ứng cho thị trường. Hiện, giống cà phê Trường Sơn không chỉ được người dân Lâm Đồng tin tưởng lựa chọn để chuyển đổi, ghép cải tạo thay thế các giống cũ, mà còn có mặt ở nhiều địa phương khác trong cả nước như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước...”.
 
Nơi độc quyền các giống dâu chất lượng
 
Lâm Đồng được đánh giá là “thủ phủ” dâu tằm của cả nước, với diện tích dâu đã đạt trên 5.000 ha được trồng tập trung tại các địa phương như Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc. Những năm qua, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Lâm Đồng đã và đang được “hồi sinh” mạnh mẽ góp phần đưa ngành tơ - lụa Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung có bước phát triển bền vững.
 
Để có được những kết quả đáng ghi nhận này, cùng với sự đầu tư trang thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ, dệt lụa tại địa phương thì việc bình tuyển, lai tạo thành công các giống dâu mới cho năng suất cao, chất lượng tốt của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng có vai trò rất quan trọng. Trước đây, các giống dâu cũ được trồng tại Lâm Đồng chỉ cho năng suất trung bình từ 12 - 15 tấn/ha/năm. Nhưng từ khi các giống dâu lai S7 - CB, VA - 201, TBL - 03 và TBL - 05 (giống dâu độc quyền của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng) được đưa vào sản xuất đã giúp nghề trồng dâu, nuôi tằm ở các địa phương trong tỉnh có những chuyển biến tích cực. 
 
Ông Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết: “Các giống dâu của Trung tâm đều đạt năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha/năm. Thậm chí có những vườn dâu đạt năng suất lên tới 45 - 50 tấn/ha. Theo thống kê, hiện các giống dâu này đã chiếm hơn 60% diện tích dâu của toàn tỉnh. Hiện, giống dâu của Trung tâm đang mang lại cho người trồng dâu, nuôi tằm nguồn thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, góp phần giúp ngành tơ lụa Lâm Đồng “hồi sinh” và có những bước phát triển bền vững trong thời gian qua”.
 
Để phát triển bền vững ngành dâu tằm và tơ lụa, với vai trò và nhiệm vụ của mình, Trung tâm đang triển khai thực hiện Dự án “Nông thôn miền núi” phục vụ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh giai đoạn 2017 - 2022. Trong quá trình thực hiện dự án, ngoài việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho người dân, Trung tâm còn phối hợp với huyện Đạ Tẻh để xây dựng các chuỗi liên kết giữa người trồng dâu, nuôi tằm với các doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa. Đồng thời, Trung tâm sẽ triển khai xây dựng các hệ thống “vệ tinh” để chuyển giao kỹ thuật, kiểm soát chất lượng và kịp thời phòng, chống các loại dịch bệnh trên cây dâu, con tằm giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, trong thời gian tới, để cạnh tranh sòng phẳng với các giống tằm nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung tâm sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lai tạo đưa giống tằm lai lưỡng hệ LĐ - 09 và các giống tằm khác vào sản xuất tằm con tập trung và chuyển giao cho người dân.
 
Ngoài ra, từ các phụ phẩm dâu tằm như kén đôi, gốc rũ, tơ rối... Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu và tiến hành khảo nghiệm thành công để sản xuất son môi, kem dưỡng da và nấm “đông trùng hạ thảo” phục vụ cho y học và công nghiệp hóa mỹ phẩm trong tương lai.
 
Có thể khẳng định rằng, việc tuyển chọn, lai tạo thành công các giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt của các tổ chức, cá nhân đã đưa ngành nông nghiệp Lâm Đồng có những bước tiến “đột phá” và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất NNCNC; đồng thời, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của toàn tỉnh.

(Báo Lâm Đồng Online)

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,442,010.00