4/17/2018 10:21:00 AM
.

Nhân rộng mô hình trung tâm sau thu hoạch ở Ðức Trọng


 Trung tâm sau thu hoạch (TTSTH) rau, củ, quả chính thức được triển khai trên địa bàn huyện Ðức Trọng năm 2016. Trước những hiệu quả thiết thực mà TTSTH mang lại, huyện Ðức Trọng đang tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm cơ sở sản xuất ở Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Ảnh: T.Vũ
 
 
Những kết quả đạt được
 
Tháng 7/2016, huyện được UBND tỉnh và Sở Công thương thực hiện mô hình thí điểm TTSTH tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (thị trấn Liên Nghĩa). Theo đó, UBND tỉnh đã cho phép lắp đặt, vận hành hệ thống máy phân loại nông sản (chủ yếu cho sản phẩm cà chua và các loại củ có hình dạng tương tự) với trị giá khoảng 12,5 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty Phong Thúy đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, bố trí nhân lực và chi phí vận chuyển máy móc với trị giá khoảng 4,4 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện thí điểm, UBND huyện Đức Trọng đã cùng Sở Công thương luôn đồng hành, hỗ trợ hướng dẫn Công ty Phong Thúy triển khai xây dựng mô hình và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực phối hợp khảo sát, đề xuất các đơn vị có năng lực tham gia hợp tác, phát triển TTSTH với Công ty Phong Thúy. 
 
Sau khi đi vào hoạt động, TTSTH tại Công ty Phong Thúy đã đạt hiệu quả cao. Chỉ tính riêng năm 2017, việc sản xuất, chế biến rau, củ, quả của địa phương qua TTSTH lên 2.500 tấn; công suất phân loại cà chua tăng lên 960 tấn. 
 
Sản phẩm của địa phương qua TTSTH đã dễ dàng xuất khẩu đến các nước Mỹ, Nhật, Ðức, châu Âu, Singapore với sản lượng hơn 100 tấn/tháng. 
 
Ngoài ra, TTSTH đi vào hoạt động cũng góp phần làm giảm công lao động tại nhà máy từ 8 người/ngày xuống 6 người/ngày và giờ lao động giảm từ 8 tiếng xuống còn 2 tiếng/ngày. Cùng đó, do hiệu quả của hệ thống máy móc tăng cao nên Công ty Phong Thúy đã mở rộng nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hợp tác liên kết, sản xuất nông sản với các đơn vị, hộ nông dân trên địa bàn huyện.
 
Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, huyện đã phối hợp Sở Công thương mời các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đánh giá, xem xét và thống nhất mức phí sử dụng dịch vụ sơ chế, phân loại nông sản tại mô hình thí điểm TTSTH này. Đồng thời, chỉ đạo các phòng: Nông nghiệp, Kinh tế và Hạ tầng tham mưu xây dựng, nhân rộng mô hình TTSTH trên địa bàn; tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp, đơn vị có tiềm lực và đề xuất Sở Công thương hỗ trợ nhân rộng mô hình TTSTH.
 
Song song với đó, thực hiện Kế hoạch số 5543/KH-UBND của UBND tỉnh về nhân rộng mô hình TTSTH giai đoạn 2017-2020, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tổ chức khảo sát và đề xuất nhân rộng mô hình TTSTH tại Hợp tác xã An Phú (thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An) với nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến rau. 
 
Tiếp tục nhân rộng mô hình
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Đức Trọng cũng gặp một số khó khăn vì các cơ sở kinh doanh rau, củ trên địa bàn đa số là các cơ sở kinh doanh với quy mô nhỏ, riêng lẻ nên chưa mạnh dạn hợp đồng liên kết sử dụng dịch vụ tại TTSTH. Thêm một lý do nữa khiến một số cơ sở không ký hợp đồng liên kết phân loại sơ chế sản phẩm tại TTSTH là do các chi phí tăng như vận chuyển, nhân công lao động chuyên chở, bốc vác lên xuống hàng, khó khăn trong phân loại hàng hóa, điều phối xe vận chuyển đến TTSTH…
 
Vì vậy, trong năm 2018, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục đề xuất nhân rộng, phát triển TTSTH trên địa bàn, trước mắt hình thành TTSTH tại Hợp tác xã An Phú với nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng và nguồn của doanh nghiệp để mua sắm máy móc thiết bị sơ chế rau, phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau, quả trên địa bàn xã Hiệp An. 
 
Đồng thời, qua khảo sát, rà soát, UBND huyện Đức Trọng đề xuất Sở Công thương xem xét, đầu tư TTSTH tại Công ty Cổ phần Viên Sơn (thôn An Tĩnh, xã Liên Hiệp), với kinh phí dự kiến 10 tỷ đồng, trong đó, vốn doanh nghiệp 9,5 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng. Công ty Viên Sơn hiện đang sản xuất, chế biến sản phẩm rau, củ, quả cấp đông như khoai lang, bí, củ dền, ớt… xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… với sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Công ty có số lượng công nhân đang làm việc là hơn 100 người và đang liên kết, sản xuất với 20 hộ dân. Về phía Công ty Viên Sơn, đơn vị này cũng đã thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất, kinh doanh để làm nhà xưởng, thuận lợi cho việc đầu tư hình thành TTSTH trong năm 2018.
 
Giai đoạn 2018-2020, huyện Đức Trọng sẽ tiếp tục định hướng, phát triển các TTSTH trên địa bàn, cụ thể, năm 2019 sẽ hỗ trợ, khuyến khích HTX Tiến Huy đầu tư TTSTH khu vực xã Hiệp An, Hiệp Thạnh; năm 2020 sẽ hỗ trợ, khuyến khích Công ty TNHH Việt Xanh Macca đầu tư nhá máy chế biến sản xuất hạt mắc ca tại Khu Công nghiệp Phú Hội.
 
Tại buổi làm việc mới đây giữa Sở Công thương và lãnh đạo huyện Đức Trọng về công tác triển khai nhân rộng mô hình TTSTH trên địa bàn huyện Đức Trọng, Sở Công thương đã thống nhất với đề nghị hỗ trợ TTSTH của huyện. Đồng thời, đại diện Sở Công thương cũng đề nghị huyện Đức Trọng tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các TTSTH phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,377,921.00