Ðược đầu tư bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, trang trại trồng rau công nghệ cao của ông Phí Văn Nghị (thôn Trung Tâm, xã Phi Liêng) đã và đang là hướng triển vọng cho phát triển rau sạch của người dân trong vùng.
![]() |
Ông Phí Văn Nghị xây dựng vườn rau công nghệ cao đầu tiên của xã Phi Liêng |
Vốn là một chủ tịch Hội Nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, ông Nghị luôn nuôi ý nghĩ làm sao để cải thiện kinh tế gia đình, đưa kinh tế phát triển dựa trên chính nền nông nghiệp vốn có tại địa phương. "Đó chính là điều làm tôi trăn trở, nên trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở địa phương mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Nghị nói.
Dựa trên nền tảng hiểu biết về nông nghiệp của mình, ông Nghị bắt đầu tìm hiểu thị trường rau an toàn. “Ban đầu khi xây dựng đề án dự toán kinh phí thì nguồn vốn lại là bài toán khó đối với tôi và gia đình. Vì thực tế, để làm kinh tế và nhất là làm kinh tế dựa trên nền nông nghiệp công nghệ cao thì kiến thức đơn thuần là chưa đủ. Sau những trăn trở đó tôi đã quyết định vay vốn, thiết kế xây dựng một hệ thống nhà màng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.
Cũng theo ông Phí Văn Nghị, mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà kính chưa một ai ở xã Phi Liêng dám nghĩ tới. Tuy nhiên, để xây dựng và hình thành được vườn rau sạch theo phương pháp công nghệ cao như hiện nay không hề dễ. Ông Nghị lên mạng Internet đọc các bài báo viết về trồng rau công nghệ cao. Thậm chí, ông còn chạy lên Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau ở đây để về áp dụng cho vườn rau của mình.
Cuối năm 2018, ông Nghị bắt tay thực hiện và chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 2 khu nhà kính, có diện tích 6 sào với khoản đầu tư trên 2 tỷ đồng. Theo ông Nghị, trồng rau nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng. Bên cạnh đó, trong quá trình học hỏi, ông biết được hệ thống ứng dụng mạng lưới kết nối internet trong sản xuất nông nghiệp. “Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ, người nông dân thường phải gánh nước tưới hết vườn rau. Còn giờ thì điều khiển tự động, công nghệ, máy móc làm hết rồi, từ chế độ bón phân, tưới nước đến chế độ chăm sóc. Nhờ vậy tôi thoải mái hơn về thời gian, chính xác hơn về quy trình chăm sóc cây trồng - nơi thiết bị IoT kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH,... để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng, màn chắn... phù hợp. Nếu có yếu tố vượt giới hạn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bằng tin nhắn, email đến mình. Tôi đã sử dụng công nghệ này cho 4 sào nhà kính sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của mình, cho đến nay thì hệ thống phát huy hiệu quả rất cao”, ông Nghị khẳng định.
“Chi phí sản xuất giảm thông qua việc tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, giảm nhân công, giảm lượng phân bón bị rửa trôi... Ngoài ra, khi có việc bận, không có mặt ở trang trại, tôi vẫn theo dõi được tình hình cây trồng, điều khiển các thiết bị tưới và bộ châm phân thông qua ứng dụng điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh vào bất cứ thời điểm nào. Chắc chắn, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư áp dụng công nghệ này vào diện tích nhà kính còn lại”, ông Nghị cho biết.
Hiện nay, ông Nghị đang xuống giống loại ớt chuông, mua giống nhập khẩu để đảm bảo nguồn giống chất lượng không bị sâu bệnh... Sản phẩm của ông chưa đến thời kỳ thu hoạch nhưng đã có HTX Su Su Công Thành đặt cọc thu mua toàn bộ.
Hiện tại ông Nghị đang giải quyết công ăn việc làm cho 5 lao động với mức lương 4 đến 5 triệu đồng/tháng.
“Qua quá trình học hỏi và thực hiện, tôi có thể khẳng được rằng bất cứ loại cây nào dù khó tính đến đâu, chỉ cần có sự kiên trì, quyết tâm và cố gắng của con người thì nhất định sẽ làm được và mạng lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Nghị chia sẻ.
Ông Đinh Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho biết, mô hình rau hoa nhà kính của ông Nghị là mô hình tiên phong của xã Phi Liêng. Có thể nói, việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao có sử dụng công nghệ IOT vào quản lý sản xuất đã thật sự mang lại hiệu quả cao, giúp người nông dân thay đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất. Mặt khác, việc triển khai, xây dựng mô hình của gia đình ông Nghị còn giúp bà con nông dân làm quen và tiếp cận với công nghệ thông tin, để việc ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thực sự trở thành xu hướng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đồng thời, giúp phát triển nông nghiệp thông minh sạch, an toàn, bền vững tại địa bàn vùng sâu của Đam Rông.
(Báo Lâm Đồng Online)